Chẩn đoán thoái hóa khớp là một vấn đề rất quan trọng quyết định rất nhiều đến hiệu quả của quá trình điều trị. Cùng tìm hiểu xem hiện nay có những cách nào để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp? Và việc chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn gì? ngay trong bài viết sau đây.
Những cách chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp
Các thống kê gần đây cho thấy, số lượng người bị thoái hóa khớp đang không ngừng tăng lên bởi rất nhiều các lý do khác nhau. Bệnh không chỉ xuất hiện ở người già mà còn có xu hướng trẻ hóa dần bởi rất nhiều nguyên do. Có rất nhiều người đang sống chung với bệnh và vẫn chủ quan không biết mình bị bệnh.
Việc phát hiện bệnh sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều trị được suôn sẻ hơn. Hiện nay, có hai cách cơ bản giúp chẩn đoán chính xác bệnh thoái hóa khớp. Đó chính là chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán cận lâm sàng. Dưới đây là thông tin cụ thể:
1. Chẩn đoán lâm sàng
Đây có thể coi là cách đơn giản nhất trong việc chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp. Mọi người có thể hiểu chẩn đoán lâm sàng chính là cách phát hiện bệnh dựa vào sự quan sát và nhận thấy những biểu hiện khác thường trên cơ thể.
Để có thể chẩn đoán được bệnh thoái hóa khớp mọi người cần dựa vào một số triệu chứng lâm sàng như:
- Tình trạng đau khớp: Khi bị thoái hóa khớp thì đau khớp là hiện tượng không thể tránh khỏi. Cường độ đau nhức thường liên quan đến quá trình vận động. Thường thì đau âm ỉ và có xu hướng tăng khi vận động hay thay đổi tư thế. Cơn đau thường diễn biến theo từng đợt, hết đợt này có thể tái phát đợt khác.
- Hiện tượng sưng khớp: Các khớp bị tổn thương có thể sưng đỏ lên khi người bệnh vận động nhiều. Hiện tượng này là do tràn dịch khớp gây nên các phản ứng viêm tại màng hoạt dịch. Hay do các cơ và dây thần kinh quanh khớp bị chèn ép.
- Khớp phát ra tiếng khi vận động: Thường thì thoái hóa khớp sẽ luôn kèm theo tình trạng khô dịch khớp. Điều này sẽ khiến cho sụn khớp không được bôi trơn, các đầu xương ma sát mạnh vào nhau khi vận động. Nếu để ý người bệnh sẽ thấy các khớp phát ra tiếng lạo xạo nếu vận động mạnh hay quá nhiều.
- Các triệu chứng khác: Người bệnh có thể rất dễ gặp tình trạng cứng khớp vào buổi sáng khi ngủ dậy. Bên cạnh đó còn có thể sờ và cảm giác thấy có các chồi xương nhô lên ở quanh khớp. Nếu bệnh kéo dài còn có thể gặp tình trạng biến dạng khớp…
Dựa vào một số triệu chứng lâm sàng nói trên có thể phần nào chẩn đoán được bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên, việc chẩn đoán lâm sàng chỉ mang tính chất tương đối chứ không chính xác hoàn toàn. Bởi lẽ, những biểu hiện bệnh thoái hóa khớp cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý cơ xương khớp khác. Để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cần dựa vào việc chẩn đoán cận lâm sàng.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Chẩn đoán cận lâm sàng chính là phương pháp phát hiện bệnh thông qua một số xét nghiệm cần thiết. Để có thể xác định chính xác bạn đang sống chung với bệnh thoái hóa khớp hay không, các bác sĩ chuyên khoa thường sẽ chỉ định việc tiến hành một số xét nghiệm như:
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Đây là phương pháp có thể giúp quan sát hình ảnh của khớp một cách đầy đủ nhất ở trong không gian ba chiều. Điều này không chỉ phát hiện được tổn thương xảy ra ở sụn khớp mà những tổn thương tại dây chằng hay màng hoạt dịch cũng dễ dàng được nhìn thấy.
- Chụp X-quang: Đối với bệnh thoái hóa khớp, các bác sĩ sẽ thường chỉ định bạn chụp X-quang ở vị trí khớp đang bị tổn thương hay các khớp có nguy cơ thoái hóa cao như khớp gối, khớp háng… Hình ảnh X-quang được ghi lại sẽ giúp bác sĩ có thể nhìn thấy được các tổn thương ở khớp. Và dựa vào đó có thể chẩn đoán tình trạng bệnh tốt hơn.
- Nội soi khớp: Kỹ thuật này cho pháp các bác sĩ quan sát được ổ khớp một cách trực tiếp. Điều này cho phép đánh giá chính xác về tình trạng, mức độ cũng như phạm vi vủa các tổn thương mà chỉ dựa vào hình ảnh X-quang không thể phát hiện được.
- Siêu âm khớp: Đây là kỹ thuật có thể giúp đánh giá được tình trạng gai xương, hẹp khe khớp hay tràn dịch khớp. Ngoài ra còn có thể đo được độ dày của sụn khớp, phát hiện được các mảnh sụn bị thoái hóa có bị bong vào trong ổ khớp hay không.
- Các xét nghiệm khác: Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh thoái hóa khớp, ngoài các xét nghiệm nói trên, người bệnh có thể phải trải qua một số xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm dịch khớp…
Dựa vào các xét nghiệm cơ bản nói trên cùng với những triệu chứng lâm sàng các bác sĩ không chỉ phát hiện được bạn có đang sống chung với bệnh hay không mà còn phát hiện ra bệnh đang ở mức độ nào.
Chẩn đoán thoái hóa khớp chính xác dựa trên tiêu chuẩn gì?
Hiện nay có khá nhiều tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên tiêu chuẩn mà Hội thấp khớp học Hoa Kỳ đưa ra vào năm 1991 để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp là được ứng dụng rộng rãi nhất.
Việc chẩn đoán theo tiêu chẩn này được áp dụng theo từng khớp có nguy cơ thoái hóa cao như khớp gối, khớp háng và khớp bàn ngón tay.
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Việc chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo Hội thấp khớp học Hoa kỳ dựa vào 5 tiêu chuẩn cụ thể như sau:
- Hình ảnh X-quang cho thấy gai xương mọc ở rìa khớp gối.
- Xét nghiệm dịch khớp nhận định dịch khớp chính là dịch thoái hóa.
- Người bệnh ở độ tuổi từ 38 trở lên.
- Sáng sớm khi thức dậy thường gặp tình trạng cứng khớp nhưng không quá 30 phút.
- Khớp gối phát ra tiếng lạo xạo rất khó chịu khi cử động, nhất là lúc vận động nhiều.
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối được xác định khi mà cơ thể người bệnh xuất hiện các tiêu chuẩn 1, 2, 3, 4 hay 1, 2, 5 hay 1, 4, 5.
Chẩn đoán thoái hóa khớp háng
Đối với thoái hóa khớp háng thì lại dựa vào 4 tiêu chuẩn sau đây:
- Tình trạng đau khớp háng diễn ra liên tục cả ngày, nhất là khi vận động.
- Xét nghiệm máu thấy tốc độ máu lắng ở giờ thứ nhất nhỏ hơn 20mm.
- Hình ảnh X-quang cho thấy có gai xương xuất hiện ở chỏm xương đùi hoặc ở ổ cối.
- Khe khớp háng có dấu hiệu thu hẹp lại.
Chẩn đoán thoái hóa khớp háng sẽ được xác định khi có yếu tố thứ nhất kết hợp với 2 trong 3 yếu tố còn lại.
Chẩn đoán thoái hóa khớp bàn ngón tay
Đây cũng chính là vị trí khớp rất dễ bị thoái hóa , có thể chẩn đoán dựa vào các tiêu chuẩn sau đây:
- Đau nhức và cứng khớp bàn hay ngón tay trong thời gian trước đó.
- Trong 10 khớp được lựa chọn để kiểm tra thì có tối thiểu 2 khớp gặp phải tình trạng kết đặc xương.
- Hiện tượng sưng khớp diễn ra ở tối thiểu 2 khớp tại vị trí bàn hay ngón tay.
- Kết đặc xương xảy ra ở 1 khớp ngón xa.
- Trong 10 khớp được lựa chọn có 1 khớp bị biến dạng.
Chẩn đoán thoái hóa khớp bàn ngón tay sẽ được xác định khi có 3 yếu tố đầu kết hợp với 1 trong 2 yếu tố cuối mà chúng tôi đề cập ở trên.
Trên đây là những cách chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp rất chính xác mà người bệnh cần nắm rõ. Thoái hóa khớp chính là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không sớm điều trị sẽ dễ gây những biến chứng nguy hiểm. Chính vì thế, khi phát hiện những triệu chứng lâm sàng cần sớm thăm khám để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Hải Ngọc
Bạn có thể tìm hiểu thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!