Nhầm lẫn trong việc phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp khiến người bệnh lựa chọn cách tiếp cận điều trị không phù hợp.
Mặc dù có những triệu chứng khá tương đồng nhưng nếu chú ý bạn sẽ dễ dàng nhận biết chính xác hai bệnh lý này. Chẩn đoán đúng bệnh là bước đầu trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
Cách phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
Bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp là những căn bệnh xương khớp thường gặp, đối tượng tập trung là những người cao tuổi hoặc người lao động chân tay. Dù có những triệu chứng tương tự nhưng bản chất của hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau, nếu xác định nhầm lẫn việc chữa trị sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.
Do đó, việc phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình điều trị.
1. Điểm giống nhau
Viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp đều là bệnh lý gây tổn thương lên khớp và xương, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh.
Các triệu chứng phổ biến giữa hai bệnh khá giống nhau như cứng khớp, đau nhức, tê bì, sưng đỏ,… hiện tượng này xuất hiện ở một hoặc nhiều vị trí.
Viêm đa khớp dạng thấp và thoái hóa khớp tập trung ở nhóm người cao tuổi, người lao động nặng nhọc, người thừa cân – béo phì. Nếu không được điều trị đúng cách có thể gây bại liệt, tàn phế, thậm chí hoại tử khiến người bệnh phải cắt bỏ chi.
Cả hai đều là bệnh xương khớp mãn tính nên rất khó để điều trị dứt điểm. Mục đích chính trong việc điều trị là giới hạn mức độ ảnh hưởng của mầm bệnh, bảo toàn sức khỏe và khả năng vận động của xương khớp.
2. Điểm khác nhau
Ngoài những điểm giống nhau nêu trên, viêm đa khớp dạng thấp và thoái hóa khớp còn có khá nhiều điểm khác biệt. Người bệnh nên dựa vào những đặc điểm này để xác định bệnh một cách chính xác nhất.
- Bản chất
Viêm đa khớp dạng thấp thực chất là bệnh lý tự miễn do một hoặc vài vấn đề bất thường trong cơ thể khiến hệ miễn dịch tự tấn công vào tế bào mô, sụn và xương khỏe mạnh. Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này.
Thoái hóa khớp hình thành chủ yếu do quá trình lão hóa của cơ thể hoặc những sai lầm trong chế độ sinh hoạt, làm việc khiến xương suy yếu dẫn đến tình trạng thoái hóa.
- Phạm vi ảnh hưởng
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn có tính chất liên đới, bệnh không chỉ gây tổn thương lên khớp xương mà còn gây ảnh hưởng đến tim mạch, thị lực, gan, phổi và những cơ quan khác. Viêm đa khớp dạng thấp rất ít khi gây tổn thương tại một vị trí, thường sẽ xuất hiện tại nhiều khớp và có tính chất đối xứng.
Thoái hóa khớp chỉ gây tổn thương lên hệ thống xương, có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và dây thần kinh xung quanh. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không quá nặng nề.
- Triệu chứng đặc trưng
Bên cạnh những triệu chứng tương đồng, viêm đa khớp dạng thấp sẽ biểu hiện bằng những triệu chứng đặc trưng khác như: người bệnh mệt mỏi, có dấu hiệu sốt, xuất hiện hạt u, nốt sần cứng xung quanh khớp. Khớp sưng đỏ nặng nề, sờ vào có cảm giác nóng và rát.
Thoái hóa khớp chỉ gây sưng viêm nhẹ, không quá nặng nề cũng không khiến bề mặt da nóng lên. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh lý này là khớp xương phát ra âm thanh khi vận động, xuất hiện gai xương gây biến dạng khớp.
- Vị trí xuất hiện
Viêm khớp dạng thấp tập trung chủ yếu ở khớp ngón tay, ngón chân, rất ít khi xuất hiện tại khớp gối.
Thoái hóa khớp xuất hiện chủ yếu ở khớp gối, khớp háng, khớp vai, hiếm khi phát sinh tại khớp ngón tay, ngón chân.
- Độ tuổi
Bệnh viêm khớp dạng thấp xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người trưởng thành và người cao tuổi.
Thoái hóa khớp chỉ xuất hiện ở những người trên 55 tuổi, rất ít trường hợp xuất hiện ở trẻ em, trừ khi đó là những dị tật bẩm sinh hiếm gặp.
- Tiến triển bệnh
Viêm khớp dạng thấp có tiến triển nhanh chóng, nhất là khi người bệnh không tiến hành can thiệp ức chế mầm bệnh. Đặc biệt, bệnh gây ra nhiều phản ứng phức tạp trong cơ thể làm suy giảm sức khỏe và chức năng của các cơ quan.
Thoái hóa khớp có tiến triển chậm và tăng dần khi tuổi tác lên cao.
- Biến chứng
Viêm đa khớp dạng thấp không chỉ gây biến chứng lên hệ thống xương khớp mà còn đe dọa đến tính mạng người bệnh. Những biến chứng này xuất hiện đột ngột và rất khó hồi phục.
Thoái hóa khớp chỉ gây biến chứng lên khả năng vận động, không ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
- Mục đích điều trị
Mục đích điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp là ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, không để kháng nguyên tấn công vào mô sụn và đầu xương, gây tổn thương lên ổ khớp.
Trong chữa trị thoái hóa khớp, chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn quá trình lão hóa bằng cách cung cấp những dưỡng chất cần thiết để phục hồi mô sụn và tăng cường mật độ xương.
Nên làm gì khi mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp và thoái hóa khớp
Sau khi xác định các triệu chứng và xác định bản thân mắc phải bệnh thoái hóa khớp hay viêm đa khớp dạng thấp, nhiều người loay hoay không biết phải xử lý như thế nào. Chúng tôi có những lời khuyên nhằm giúp người bệnh dễ dàng hơn trong quá trình điều trị.
1. Chủ động tìm gặp bác sĩ
Việc đầu tiên cần làm chính là tìm gặp bác sĩ, các thông tin bên trên không thể giúp bạn xác định bệnh một cách chính xác nhất.
Nên chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Xác định bệnh bằng cảm quan chỉ mang tính chất tương đối, người bệnh nên nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị lâu dài.
2. Kiên trì với từng phương pháp
Với những bệnh xương khớp mãn tính, người bệnh không thể gấp gáp trong quá trình điều trị. Nên kiên trì và thực hiện đều đặn những biện pháp được bác sĩ chỉ định để phát huy tác dụng tối đa, ảnh hưởng tích cực đến bệnh tình.
Tuyệt đối không bỏ dở việc điều trị hay thực hiện những phương pháp chưa được chứng thực về tính hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chức năng vận động.
3. Thay đổi thói quen
Những thói quen sai lầm trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện tập là nguyên nhân thúc đẩy mức độ tổn thương tại ổ khớp, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, người bệnh cần thay đổi những thói quen thiếu lành mạnh để hỗ trợ quá trình chữa trị. Cần điều chỉnh lại thói quen ăn uống, bổ sung nhóm thực phẩm lành mạnh, kiêng cử hoàn toàn những thực phẩm gây béo phì hay làm tổn thương đến cơ thể.
Cân bằng giữa giờ giấc sinh hoạt và nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thường xuyên. Nếu người bệnh kiên trì với từng phương pháp điều trị, kết hợp với chế độ sống lành mạnh, bệnh tình chắc chắn sẽ có những tiến triển tích cực.
Viêm đa khớp dạng thấp và thoái hóa khớp là hai bệnh lý xương khớp thường gặp. Cần tiến hành điều trị ngay khi bệnh mới xuất hiện để giới hạn mức độ ảnh hưởng lên khả năng vận động và các cơ quan khác.
Hải Ngọc
Bạn nên tham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!