Nhiều người lầm tưởng rằng, các vấn đề xương khớp chỉ gặp ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, thống kê từ các chuyên gia cho thấy bệnh xương khớp ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện nếu trẻ gặp phải dị tật bẩm sinh hoặc gặp phải những sai lầm trong sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng.
Hầu hết những bệnh xương khớp ở trẻ đều có thể chữa trị dứt điểm nếu can thiệp sớm và xử lý đúng cách. Phụ huynh cần trang bị những kiến thức cần thiết để chủ động khi bệnh tình xuất hiện ở con trẻ.
7 bệnh xương khớp ở trẻ nhỏ phụ huynh cần lưu ý
Các triệu chứng ban đầu của những bệnh xương khớp ở trẻ nhỏ thường khó nhận biết bởi chúng không có tính đặc trưng cao. Phụ huynh thường lơ là và xem nhẹ những biểu hiện này, đến khi bệnh lý phát triển trầm trọng và cảnh báo bằng những triệu chứng nặng nề, phụ huynh mới đưa con trẻ đến cơ sở y tế thăm khám.
Cơ thể trẻ nhỏ nói chung và hệ thống xương khớp nói riêng khá nhạy cảm và dễ tổn thương, những thay đổi bên trong và bên ngoài cơ thể đều gây ra những ảnh hưởng nhất định, hệ quả có thể là các vấn đề về xương khớp. Dưới đây là 7 căn bệnh xương khớp ở trẻ nhỏ thường gặp nhất, phụ huynh cần lưu ý để phát hiện bệnh sớm và tiến hành điều trị cho trẻ kịp thời.
1. Bệnh còi xương
Bệnh còi xương thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể trẻ không có đủ vitamin D để phát triển và làm dày mật độ xương. Tình trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn như: thiếu vitamin D do chế độ dinh dưỡng thiếu chất hoặc trẻ ít tắm nắng, rối loạn chuyển hóa vitamin D, kháng vitamin D,… Ngoài ra, trẻ bị còi xương còn có thể do những nguyên nhất hiếm gặp hơn như: dị tật ở xương, loạn dưỡng xương do thận,…
Phụ huynh có thể nhận biết dấu hiệu còi xương ở trẻ qua những biểu hiện như trẻ rất hay quấy khóc, xương mềm và cong, hay giật mình, ngủ không ngon giấc, răng mọc rất chậm, cột sống có dấu hiệu cong, vẹo, chậm đi lại và ít hoạt động,…Trẻ còi xương thường chậm lớn, các cơ quan trong cơ thể đều bị ảnh hưởng nhất định, nguy hiểm hơn có thể gây ra bệnh viêm phổi cấp tính.
2. Bệnh loãng xương
Loãng xương là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên bệnh lý này có thể xuất hiện ở trẻ ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Loãng xương có thể là hệ quả của bệnh còi xương hoặc do chế độ dinh dưỡng thiếu chất, trẻ lười vận động hoặc do các vấn đề trong hệ tiêu hóa, ức chế cơ thể hấp thu vitamin D và canxi. Loãng xương khiến mật độ xương giảm, xương giòn và dễ gãy, cần cải thiện bệnh lý này nếu không những di chứng có thể xuất hiện và không thể khắc phục hoàn toàn.
3. Tràn dịch khớp gối
Tràn dịch khớp gối là hiện tượng dịch nhờn trong khớp tăng đột biến khiến dịch tràn ra bên ngoài, gây ra hiện tượng phù nề. Tương tự như những bệnh lý trên, tràn dịch khớp gối giới hạn khả năng vận động và kìm hãm sự phát triển thể chất của trẻ.
Tràn dịch khớp gối ở trẻ nhỏ có thể do trẻ vận động hoặc va chạm mạnh, do thừa cân hoặc do những bệnh lý như viêm bao hoạt dịch, bệnh vảy nến, nhiễm khuẩn lao, rối loạn đông máu,… Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị đúng cách.
4. Viêm khớp ở trẻ em
Viêm khớp là tình trạng khớp sưng viêm, gây đau nhức khi vận động hoặc co duỗi. Viêm khớp không chỉ xuất hiện ở người già mà còn phát sinh ở trẻ em. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) vào năm 2007, có hơn 290.000 trẻ em dưới 18 tuổi gặp phải bệnh lý này.
Đến nay, nguyên nhân gây viêm khớp ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ. Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân khả thi nhất chính là do rối loạn miễn dịch khiến hệ thống chống nhiễm trùng của cơ thể tấn công vào các tế bào khỏe mạnh.
Xương khớp ở trẻ em có mức độ phục hồi nhanh nên việc điều trị sẽ thuận lợi hơn so với bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên phụ huynh cần cẩn trọng trong việc chữa trị, tình trạng viêm phát triển mạnh có thể ăn mòn mô sụn và đầu xương dẫn đến tàn phế.
5. Đau khớp gối ở trẻ nhỏ
Đau khớp gối hay còn gọi là viêm khớp gối – một dạng bệnh viêm khớp thường gặp. Đau khớp gối ở trẻ nhỏ không xuất phát từ quy luật thoái hóa như ở người cao tuổi, bệnh lý có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sinh lý như chấn thương, va chạm, vận động quá mức và phát triển xương không đồng đều. Hoặc có thể phát sinh do hệ quả của những bệnh lý trong cơ thể như bệnh bạch cầu cấp.
Đau khớp gối thường gặp ở trẻ từ 2 – 16 tuổi, gây ảnh hưởng đến chức năng vận động, ngăn cản việc phát triển chiều cao và thị giác của trẻ. Phụ huynh nên tiến hành đưa trẻ đi thăm khám nếu nhận thấy những dấu hiệu như khớp gối sưng viêm, sờ vào có cảm giác nóng hơn vùng da xung quanh, trẻ hơi sốt, mệt mỏi và biếng ăn,…
6. Bệnh phong thấp
Phong thấp hay còn gọi là bệnh phong tê thấp là dạng bệnh lý do rối loạn miễn dịch khiến kháng thể tấn công vào những mô trên chính cơ thể. Phong thấp gây ra hiện tượng sưng viêm và đau nhức trên nhiều khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động và sức khỏe của trẻ nhỏ. Độ tuổi thường gặp nhất là từ 4 – 15 tuổi.
Nguyên nhân gây bệnh phong thấp có thể do di truyền, chế độ ăn, bệnh lý trong cơ thể hoặc do thời tiết thay đổi. Hơn 90% trẻ nhỏ mắc bệnh phong thấp cấp tính nên việc điều trị dứt điểm bệnh không quá khó khăn. Rất ít trẻ phải tiến hành phẫu thuật thay khớp, phương pháp này chỉ dành cho trường hợp khớp xương bị bào mòn và tàn phá nghiêm trọng.
7. Viêm khớp háng
Viêm khớp háng thường gặp ở trẻ từ 3 – 10 tuổi, là tình trạng viêm nhiễm vi trùng ở các khớp quanh hông. Tình trạng này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, phụ huynh cần chủ động điều trị để ngăn chặn những biến chứng do bệnh lý này gây ra.
Viêm khớp háng khiến trẻ đau nhức hông, khó khăn khi di chuyển, đi lại khập khiễng, có dấu hiệu sốt, hay quấy khóc và ít ăn. Bên cạnh việc thực hiện những biện pháp điều trị từ chuyên gia, phụ huynh cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng của trẻ để khắc phục bệnh nhanh chóng.
Các bệnh xương khớp ở trẻ nhỏ đều gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và sự phát triển thể chất. Phụ huynh cần chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện và điều trị, hạn chế tình trạng xuất hiện những di chứng nặng nề.
Hải Ngọc
Có thể bạn chưa biết:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!