Cách phòng chống bệnh còi xương ở trẻ em

Đánh giá

Bệnh còi xương ở trẻ em không hề hiếm gặp, thậm chí những trẻ bụ bẫm vẫn bị còi xương do nhu cầu canxi và photpho cao. Còi xương ở trẻ em không chỉ gây ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương khớp mà còn tác động đến khả năng phát triển trí tuệ của trẻ. Vì vậy, làm cách nào để phòng chống bệnh còi xương cho trẻ là điều mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Bệnh còi xương ở trẻ em

Còi xương là bệnh thiếu vitamin D do loạn dưỡng xương hoặc rối loạn chuyển hóa canxi và phốt pho dẫn đến rối loạn hấp thu vitamin D. Việc thiếu hụt vitamin D gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xương khớp và các hệ cơ quan trong cơ thể trẻ như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, nội tiết…

cach-phong-chong-benh-coi-xuong-o-tre-em-1

Nguyên nhân khiến trẻ bị còi xương là do trẻ bị thiếu vitamin D không hấp thụ được canxi ở ruột dẫn đến thiếu canxi trong máu. Lúc này, nội tiết tố hoormone cận giáp trạng tăng lên khiến việc hấp thụ phốt phát ở thận và máu giảm sút gây rối loạn các chức năng ở hệ thần kinh. Do thiếu canxi máu nên cơ thể phải huy động canxi từ xương đưa vào máu khiến xương khớp bị thiếu canxi và dẫn đến còi xương. Trẻ nhỏ từ 6-36 tháng tuổi đang trong giai đoạn phát triển hệ xương khớp thường rất dễ mắc bệnh còi xương.

Trong giai đoạn đầu, trẻ chưa có biểu hiện cỏi xương rõ rệt ngoài các biểu hiện về rối loạn thần kinh làm trẻ hay quấy khóc, giật mình khi ngủ, đổ mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn… Đến khi bệnh phát triển thì các biểu hiện bất thường như xương sọ mềm, thóp rộng, có bướu đỉnh hay hiện tượng trán dô, mọc răng chậm, chậm lẫy, chậm bò, chậm đi… cũng dễ nhận thấy hơn. Trẻ kém lanh lợi, hoạt bát, chậm phát triển chiều cao và cân nặng. Những trẻ bị còi xương nặng có thể nhận thấy hiện tượng vòng cổ tay, cổ chân, xương cẳng chân hình chữ X, chữ O, biến dạng lồng ngực, cơ bắp nhũn nhão…

Cách phòng chống bệnh còi xương ở trẻ em

Để phòng bệnh còi xương ở trẻ, tốt nhất nên phòng bệnh từ khi mẹ còn đang mang thai. Mẹ cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D và canxi như thịt, cá, tôm, cua, ốc, gan, trứng, sữa. Nên cho thêm các loại dầu tự nhiên như dầu olive, dầu đậu phộng, dầu đậu nành… vào trong thức ăn để vitamin D dễ hòa tan và hấp thu tốt hơn, lại không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vào các tháng cuối của thai kỳ, mẹ có thể uống thêm dầu cá hoặc vitamin D để bổ sung nhưng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa để tránh lạm dụng vitamin D. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cải thiện nhà ở sao cho thoáng mát và đủ ánh sáng mặt trời để cơ thể người mẹ tổng hợp vitamin D hiệu quả.

cach-phong-chong-benh-coi-xuong-o-tre-em-2

Đối với trẻ nhỏ, ngoài việc cho trẻ bú sữa mẹ ngay từ khi trẻ chào đời thì khi trẻ được 5-6 tháng tuổi, cha mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ bằng việc cho trẻ ăn bổ sung. Các thực phẩm như cá hồi, cá thu, lươn, thủy hải sản, trứng, các loại đậu, sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp vitamin D và canxi dồi dào mà cha mẹ nên bổ sung cho trẻ mỗi ngày.

Bên cạnh việc bú sữa mẹ và bổ sung vitamin D và canxi vào chế độ dinh dưỡng, thường xuyên cho trẻ tắm nắng là một biện pháp đơn giản nhưng lại giúp trẻ tổng hợp vitamin D và hấp thu canxi rất hiệu quả. Trẻ cần được tắm nắng khoảng 15-20 phút mỗi ngày trước 9h sáng và sau 4h chiều. Không nên cho trẻ tắm nắng lúc mặt trời lên cao, nắng gắt buổi trưa. Khi cho trẻ tắm nắng, mẹ nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, rộng rái, thoáng mát, tốt nhất nên để lộ tay chân lưng bụng để tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Mẹ cũng có thể cho trẻ uống dầu cá hay vitamin D 400UI/ ngày sau khi đã tham khảo lời khuyên của bác sĩ nhi khoa. Đối với những trẻ sinh non, thiếu tháng, thiếu cân thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám định kỳ để được các bác sĩ theo dõi tốt nhất.

Cập nhật lúc 11:00 - 23/03/2018

Ý kiến độc giả ()

  1. Dat says: Trả lời

    Nen cho them noi dung

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan