5 Loại thuốc trị bệnh phong thấp được cả thế giới sử dụng

Đánh giá

Bệnh phong thấp sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, trừ khi tình trạng viêm bị ngừng hoặc chậm lại. Do đó, các thuốc trị bệnh phong thấp đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh diễn biến trầm trọng hơn. 

Tóm tắt nội dung chính của bài viết

I.Bệnh phong thấp là gì
II.Kiến thức về bệnh phong thấp
   1.Nguyên nhân
   2.Triệu chứng
III.Thuốc trị phong thấp sử dụng trên toàn thể giới
   1.Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
   2.Thuốc Steroid (Corticosteroid)
   3.Thuốc chống thấp khớp (DMARDS)
   4.Thuốc sinh học
   5.Các chất ức chế Janus Kinase (JAK)
IV.Cách chữa phong thấp hiệu quả từ thảo dược
   1.Bài thuốc từ rễ cây nhàu
   2.Bài thuốc từ rượu ngâm quả mộc qua
   3.Bài thuốc từ lá lốt

I. Bệnh phong thấp là gì?

Có rất nhiều nhầm lẫn, thắc mắc từ người bệnh vì họ không hiểu rõ về bệnh phong thấp là gì, điều này ảnh hưởng đến việc nhận biết bệnh và vì thế mà việc lựa chọn thuốc trị phong thấp cũng gặp trở ngại không nhỏ. Vậy, bệnh phong thấp là gì?

Bệnh phong thấp
Bệnh phong thấp thường gặp nhiều ở người lớn tuổi

  • Theo Y học cổ truyền

Bệnh phong thấp hay còn được gọi là bệnh phong tê thấp, là một trong những bệnh lý thuộc Tý chứng. Đây là chứng bế tắc, ngưng đọng khí huyết, khó lưu thông. Bệnh hình thành do 4 yếu tố chính là Phong, Hàn, Thấp, Nhiệt,  các yếu tố này sẽ xâm nhập vào cơ thể khi cơ thể trở nên suy yếu, sức đề kháng  giảm đi, điều này gây ra các cơn đau xương, sưng nóng đỏ và tê ở các khớp chân tay hoặc bất kỳ một khớp xương nào trên cơ thể, cơ thể người bệnh lúc này sẽ mệt mỏi và suy nhược.

  • Theo y học hiện đại

Y học hiện đại đánh giá bệnh phong thấp là một rối loạn tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm một mô nào đó ngay chính trên cơ thể của mình. Sự nhầm lẫn này gây ảnh hưởng nặng nề đến các khớp xương, làm sưng đau và cuối cùng dẫn đến hao mòn và biến dạng khớp xương.

II. Kiến thức về bệnh phong thấp

Biết rõ về căn bệnh phong thấp là cách giúp người bệnh có thể nhận biết sớm và lên kế hoạch điều trị kịp thời nhằm ngăn chặn bệnh ngay lập tức. Các kiến thức như nguyên nhân, triệu chứng bệnh phong tê thấp được chúng tôi cập nhật cụ thể ngay bên dưới:

1. Nguyên nhân gây bệnh phong thấp

Như đã đề cập ở trên, tùy theo quan điểm về bệnh phong thấp của y học cổ truyền và y học hiện đại mà việc xác định nguyên nhân gây bệnh phong thấp cũng khác nhau.

Trong khi y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân chính gây nên bệnh phong thấp là do sự tắc nghẽn, ngưng đọng khí huyết và làm chậm việc lưu thông máu trong cơ thể. Thì cho đến nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân gây nên bệnh phong thấp.

Các chuyên gia cho biết, một phản ứng miễn dịch đóng vai trò hàng đầu gây nên tình trạng viêm và tổn thương khớp. Việc hệ miễn dịch bị rối loạn vì lý do nào vẫn đang được nghiên cứu, nhưng có bằng chứng khoa học cho rằng các gen, hormone và các yếu tố môi trường có liên quan có thể là nguyên nhân gây bệnh phong thấp.

Nguyên nhân gây bệnh phong thấp
Bệnh phong thấp xảy ra khi hệ miễn dịch bị rối loạn

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh phong thấp bao gồm:

  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng hơn nam giới để phát triển bệnh phong thấp.
  • Tuổi tác: Bệnh phong thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 40 – 60 tuổi.
  • Lịch sử gia đình: Nếu cha mẹ hoặc người thân có bạn bị phong thấp thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tiếp xúc với môi trường: Mặc dù không chắn chắn, nhưng việc tiếp xúc với môi trường có thể gây ra bệnh phong thấp. Điều này xảy ra nhiều hơn ở những người sống ở nơi lạnh ẩm hoặc thời tiết thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, những người làm việc ở môi trường ẩm thấp, thường xuyên tiếp xúc với nước, nhất là nguồn nước độc hại và người ít vận động cũng có khả năng bị bệnh phong thấp rất cao.
  • Hút thuốc lá: Thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh phong thấp, nhất là bạn đang có một khuynh hướng mắc bệnh do di truyền. Việc hút thuốc lá có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
  • Béo phì: Nguy cơ mắc bệnh phong thấp tăng cao ở những người thừa cân và béo phì, bởi vì trọng lượng cơ thể tăng cao sẽ khiến các khớp xương trong cơ thể phải gồng sức chống đỡ một áp lực quá lớn trong một thời gian dài, do đó dẫn đến phong thấp.

2. Biểu hiện của bệnh phong thấp

Các biểu hiện của bệnh phong thấp bao gồm:

  • Đau tại khớp xương: Cũng giống như một số bệnh lý xương khớp khác, ở bệnh phong thấp, cảm giác đau tại các khớp xương là biểu hiện được tìm thấp đầu tiên. Ở giai đoạn đầu, cơn đau thường nhẹ nhưng càng về sau càng trở nên trầm trọng nếu không được can thiệp điều trị sớm.
  • Sưng, nóng và đỏ khớp: Tại các khớp bị tổn thương do bệnh phong thấp thường có biểu hiện sưng và đỏ lên, sờ có cảm giác ấm nóng.
  • Cứng khớp: Người bệnh phong thấp có thể trải qua cảm giác bị cứng khớp, nhất là vào buổi sáng và sau thời gian không hoạt động, điều này làm giới hạn khả năng và phạm vi chuyển động của người bệnh.
  • Mệt mỏi, sốt và giảm cân: Sốt có thể xuất hiện ở người bị phong tê thấp và thường thấy rõ ở mỗi lần người bệnh lên cơn đau. Tình trạng này kéo dài có thể làm cho người bệnh trở nên mệt mỏi, uể oải tinh thần, sa sút trí tuệ và dẫn đến giảm cân.

Bệnh phong thấp ở giai đoạn đầu có xu hướng ảnh hưởng đến các khớp nhỏ hơn như các khớp nối ở  ngón tay, bàn tay, khớp ngón chân.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng thường lan đến cổ tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, hông và vai. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng của bệnh phong thấp đều xuất hiện trên cùng một khớp ở cả hai bên cơ thể.

Khoảng 40% những người bị bệnh phong thấp xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng không liên quan đến khớp. Bệnh phong thấp có thể ảnh hưởng đến nhiều cấu trúc như da, mắt, phổi, tim, thận, mạch máu, tủy xương…

 Xem chi tiết tại: Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh phong thấp phổ biến

III. 5 Loại Thuốc trị phong thấp được FDA phê chuẩn trên toàn thế giới

Thuốc chữa bệnh phong thấp được đề cập khá nhiều và đây được xem là cách chữa trị bệnh phong thấp phổ biến. Các thuốc trị bệnh phong thấp thường rơi vào năm loại: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID); Steroid (Corticosteroid); Thuốc chống thấp khớp (DMARDS); Thuốc sinh học và các chất ức chế Janus Kinase (JAK).

Thuốc trị phong thấp
Các loại thuốc trị phong thấp thường được sử dụng

Khi chỉ định một loại thuốc nào đó cho người bệnh, bác sĩ sẽ phải xem xét rất nhiều yếu tố bao gồm tình trạng bệnh tật, tuổi tác, cơ địa hoặc một tình trạng sức khỏe khác. Việc tìm ra các loại thuốc hoặc kết hợp các thuốc trị phong thấp lại với nhau đều có ý nghĩa quan trọng giúp mang lại kết quả điều trị nhanh chóng và khả năng phục hồi sớm nhất cho người bệnh.

#1. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Hầu hết những người bị phong thấp đều được chỉ định sử dụng các nhóm thuốc chống viêm không steroid. NSAID là các thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm mà không chứa cấu trúc steroid. Những loại thuốc tiêu biểu của nhóm này bao gồm aspirin, ibuprofen, diclofenac và một số hoạt chất khác như naproxen,  ketoprofen… được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh phong thấp.

#2. Thuốc Steroid (Corticosteroid)

Các steroid có tác dụng nhanh như prednisone đặc biệt hữu ích trong quá trình điều trị ban đầu, trước khi các thuốc trị phong tê thấp khác có cơ hội hiệu lực (thường là 12 tuần hoặc hơn)

Một ưu điểm của steroid là ngoài đường uống, chúng có thể được tiêm trực tiếp vào khớp. Steroid tiêm có thể làm giảm đau nhắm mục tiêu đến một hoặc hai khớp đau đớn với ít tác dụng phụ.

Các chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng steroid nên dùng ở liều thấp có thể và không nên dùng nhiều hơn mức cần thiết. Hiệu quả của steroid thường giảm dần theo thời gian, có nghĩa là càng lâu thì người dùng steroid càng ít có khả năng giảm các triệu chứng bệnh. Ngoài ra, những người dùng steroid liên tục trong vài tháng hoặc nhiều năm có thể gặp các tác dụng không mong muốn như tăng cân, tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch.

#3. Thuốc chống thấp khớp (DMARDS)

Thuốc chống thấp khớp (DMARDS) được sử dụng để làm chậm hoặc ngăn chặn bệnh phong tê thấp bằng cách ức chế miễn dịch. Các thuốc DMARDS thường được sử dụng là:

  • Hydroxychloroquine
  • Methotrexate
  • Sulfasalazine
  • Azathioprine
  • Lefludomide

Methotrexate thường là loại thuốc đầu tiên được kê đơn cho những người mới được chẩn đoán bị bệnh phong thấp. Bệnh nhân bị phong thấp dùng thuốc này hàng tuần, dùng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc khác theo chỉ định.

Methotrexate liều cao cũng được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư. So với liều ở bệnh nhân ung thư thì ở bệnh nhân  bị bệnh phong thấp dùng liều thấp hơn nhiều.

#4. Thuốc sinh học cho bệnh phong tê thấp

Thuốc sinh học hoặc các chất bổ sung sinh học có thể được kê toa để điều trị các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh phong tê thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến…

Thuốc trị phong thấp sinh học hoạt động bằng cách phá vỡ quá trình viêm dẫn đến đau khớp, từ đó ngăn chặn quá trình tiến triển bệnh.

Có 4 loại sinh học: Yếu tố ức chế hoại tử khối u (TNF), thuốc ức chế Interleukin (IL), thuốc ức chế tế bào B và các chất ức chế tế bào T. Các loại thuốc này được đưa  vào cơ thể bằng cách tiêm hoặc truyền dịch. Ví dụ như  Remicade, Enbrel và Humira.

#5. Các chất ức chế Janus Kinase (JAK)

Enzyme JAK đóng vai trò quan trọng trong quá trình viêm của hệ thống miễn dịch. Khi enzym JAK liên kết với các tế bào khác, được gọi là tế bào X, chúng kích hoạt tình trạng viêm. Các chất ức chế JAK liên kết với các enzyme JAK ngăn cản chứng liên kết với các tế bào X và ngăn chặn quá trình viêm.

Chất ức chế JAK được FDA chấp thuận đầu tiên được gọi là Tofacitinib và nó được bán với tên Xeljanz và Xeljanz XR. Điều đặc biệt nên lưu ý là những người xem xét dùng các chất ức chế JAK phải có xét nghiệm bệnh lao và nên trao đổi với bác sĩ để được theo dõi những rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra.

→ Việc dùng thuốc chữa bệnh phong thấp có thể là rất phổ biến, nhưng một vấn đề được đặt ra ở đây là song song với những hiệu quả chữa trị mà các thuốc mang lại, đều luôn tồn tại những tác dụng phụ tiềm ẩn có thể gây nguy  hại đến sức khỏe của người bệnh. Do vậy, tìm đến những cách chữa bệnh phong thấp hiệu quả, an toàn hơn là một trong những xu hướng chữa bệnh phong thấp hiện nay.

IV. 3 Cách chữa phong thấp hiệu quả từ các vị thuốc thảo dược

Ưu điểm của việc chữa bệnh phong tê thấp bằng các vị thuốc thảo dược từ dân gian là an toàn, tiết kiệm và mang lại kết quả khả quan, giúp làm thuyên giảm các triệu chứng gây nên cho người bệnh do phong tê thấp.

Cùng với đó, phương pháp chữa trị bệnh phong tê thấp bằng dân gian còn làm hạn chế đi những tác dụng phụ của thuốc tây y lên cơ thể người bệnh. Với các nguyên liệu dễ kiếm, chủ yếu là các thảo dược có sẵn quanh nhà, người dân có thể tự chữa bệnh phong tê thấp cho mình bằng các vị thuốc sau:

#1. Rễ cây nhàu – Vị thuốc trị phong thấp

Theo Đông y, rễ cây nhàu chứa nhiều dược tính cao nên được sử dụng để làm thuốc chữa trị các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, đau thắt lưng và chữa bệnh phong thấp.

Trong sách “Gia y trị nghiệm” của Lương y Việt Cúc có viết rằng: Rễ nhàu vị đắng, ấm, thông huyết mạch, trừ phong tê nhức mỏi, hạ huyết áp”.

Trị phong thấp bằng rễ cây nhàu
Rễ cây nhàu là bài thuốc dân gian chữa phong thấp

Từ lâu, trong dân gian đã biết sử dụng rễ cây nhàu để chữa trị bệnh phong tê thấp, nhằm mục đích cải thiện nhanh chóng các triệu chứng bệnh gây nên cũng như phục hồi chức năng vận động của khớp xương bị tổn thương.

Một số bài thuốc chữa phong tê thấp bằng rễ cây nhàu được lưu truyền trong dân gian như:

Bài thuốc 1:

  • Dùng rễ cây nhàu rửa sạch, thái lát và phơi khô.
  • Tiến hành sao vàng rễ cây nhàu đã phơi khô rồi đem ngâm với rượu trắng trong 15 ngày.
  • Khi sử dụng, mỗi ngày lấy ra khoảng 1 ly nhỏ và uống trước bữa ăn sẽ giúp làm giảm đau nhức do bệnh phong tê thấp.
  • Người bệnh cũng có thể dùng rượu này để xoa bóp lên vị trí khớp xương bị ảnh hưởng có công hiệu rất tốt.

Bài thuốc 2:

  • Chuẩn bị rễ cây nhàu, thổ phục linh, dây đau xương, rễ cỏ xước mỗi loại 20g và 6g cam thảo dây.
  • Cho tất cả các vị thuốc trên vào ấm nước và sắc với lửa nhỏ.
  • Dùng nước sắc trên để uống mỗi ngày một thang.
  • Duy trì theo cách này trong vòng 1 tháng, người bệnh sẽ thấy rõ sự khác biệt về tình trạng bệnh phong thấp của mình.

Bài thuốc 3:

  • Ngâm các vị thuốc sau: 40g rễ cây nhàu; nghệ xanh, nghệ vàng, thiên niên kiện, vỏ quýt, quế chi, chùm gửi cây dâu ngâm mỗi loại 20g; 30g đỗ trọng; 40 vòi voi với 2 lít rượu nếp trong vòng 1 tuần.
  • Sau thời gian ngâm, lọc lấy nước rượu và pha với 1 lít nước đường đã nấu chảy.
  • Mỗi lần uống 30 – 40 ml rượu, ngày uống 2 lần.
  • Thực hiện theo cách này trong một thời gian để cải thiện chứng bệnh phong thấp.

#2. Chữa bệnh phong thấp bằng rượu ngâm quả mộc qua

Theo nghiên cứu khoa học, quả mộc qua có chứa hàm lượng các acid hữu cơ phong phú như acid glutamic, acid malic, citric và các chất như saponin, tanin, fla vonoid… Các chất này mang lại khả năng ngăn ngừa viêm, giảm đau cho người bệnh phong thấp. Ngoài ra, các loại vitamin và chất khoáng cũng có tác dụng tốt cho cơ thể,  giúp cải thiện sức khỏe tổng thể một cách hữu hiệu.

Đông y cho rằng, mộc qua có vị chua, chát, tính hơi ôn, khi vào các kinh tỳ, vị, phế, can có tác dụng trị phong thấp, thư cân hoạt lạch tiêu thực chỉ thống.

Bài thuốc trị phong thấp bằng rượu ngâm quả mộc qua được dùng cho trường hợp người bệnh bị mắc phải chứng bệnh phong thấp. Đây cũng được xem là bài thuốc chữa trị bệnh phong thấp được nhiều người áp dụng và cho kết quả khả quan.

Bài thuốc 1:

  • Nghiền thành bột các nguyên liệu sau: Mộc qua, ngũ gia bì mỗi loạn 63g; Uy linh tiên 20g.
  • Trộn bột của các nguyên liệu trên lại với nhau, mỗi lần dùng lấy khoảng 12g pha với nước hoặc một chút rượu để uống.

Bài thuốc 2:

+ Thành phần:

Bài thuốc bao gồm các thành phần sau:

  • Mộc qua 120g
  • Ngưu tất, đương quy, thiên ma, ngũ gia bì, hồng hoa, tục đoạn, bệnh gia căn, ngọc trúc mỗi loạn 40g
  • Tần giao, phòng phong 20
  • Tang chi 16g

+ Cách dùng:

  • Các vị thuốc trên đem tán bột khô và ngâm với 15 lít rượu trắng trong khoảng thời gian là 1 tháng.
  • Mỗi một tuần thực hiện đảo đều rượu thuốc lên một lần.
  • Sau thời gian một tháng, tiến hành lọc và ép bã để lấy rượu thuốc.
  • Tiếp theo, bạn cho thêm  khoảng 1,3kg đường phèn vào và khuấy đều cho tan.
  • Dùng rượu mộc qua để uống mỗi  ngày, mỗi lần uống khoảng 20g.

#3. Lá lốt – Thảo dược chữa bệnh phong tê thấp

Theo nghiên cứu khoa học, trong lá lốt có chứa nhiều tinh dầu, chất ancaloit có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và giảm đau rất hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh lý về xương khớp như phong tê thấp.

Lá lốt chữa bệnh phong thấp
Cách chữa bệnh phong tê thấp bằng lá lốt

Sách Đông y có viết rằng, lá lốt là loại cây này có vị cay nồng, tính ấm thích hợp cho việc dùng để chữa bệnh phong thấp và một số bệnh lý khác như đầy hơi, tiêu chảy, mụn nhọt…

Dân gian ta đã lưu truyền các cách chữa bệnh phong tê thấp bằng lá lốt như sau:

Cách 1

+ Chuẩn bị:

  • Lá lốt – 15g.
  • Dây chìa vôi – 20g.
  • Dây đau xương – 15g.

+ Hướng dẫn:

  • Đem tất cả các vị thuốc trên sao vàng, hạ thổ rồi sắc nước uống.
  • Mỗi ngày uống một thang và uống liên tục cho đến khi khỏi bệnh.

Cách 2

+ Chuẩn bị:

  • Lá lốt – 15g.
  • Rễ cây vòi voi – 15g.
  • Rễ cây cỏ xước – 15g.
  • Rễ cây bưởi bung – 15g.

+ Hướng dẫn

  • Các nguyên liệu trên đem phơi khô rồi cắt nhỏ ra.
  • Sao vàng với lửa nhỏ tất cả các vị thuốc trên.
  • Sau đó, cho vào nồi và sắc với 3 chén nước (khoảng 600ml), sắc cho tới khi chỉ còn lại 1 chén.
  • Chia làm 3 lần rồi uống trong ngày.

Ngoài ra, dân gian ta còn dùng lá lốt để nấu thành các món ăn như canh, đồ xào để hỗ trợ điều trị bệnh phong tê thấp hiệu quả.

Tìm hiểu thêm thông tin về: 7 Cách chữa bệnh phong thấp dân gian

⇒ Lưu ý: 

  • Các cách chữa bệnh phong tê thấp bằng vị thuốc dân gian tuy an toàn nhưng tác dụng khá chậm. Đòi hỏi người bệnh phải kiên trì thực hiện mới mang lại kết quả tốt.
  • Đối với các trường hợp bệnh phong thấp diễn biến nặng nề, tốt nhất người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, việc lựa chọn điều trị bệnh phong thấp theo phương pháp nào đều tùy thuộc vào tình trạng bệnh và một số yếu tố khác liên quan như cơ địa, cách sử dụng hoặc người bệnh đang mắc phải một chứng bệnh khác.

Từ những thông tin đã được đề cập ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, mỗi một cách chữa bệnh phong thấp nào  cũng đều có những ưu và nhược điểm riêng.

Cụ thể, các thuốc trị phong thấp được FDA phê chuẩn có thể mang lại tác dụng nhanh chóng, nhưng kết quả đôi khi chỉ là “tạm thời” vì khả năng tái phát vẫn có thể xuất hiện. Ngoài ra, chúng còn tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ mà người bệnh nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.

Trong khi đó, những cách trị phong thấp từ các thảo dược thiên nhiên lại có ưu điểm là an toàn, nhưng chỉ nên áp dụng trong trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát. Các phương pháp này không có hiệu quả ở giai đoạn bệnh phong thấp tiến triển, gây ra những triệu chứng trầm trọng.

Hãy biết rõ về bệnh phong thấp và một số cách điều trị phổ biến là điều chúng tôi khuyên bạn, điều này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong trường hợp căn bệnh “ghé thăm” để vượt qua những đau đớn của bệnh tật và vui sống cùng thời gian. 

Bạn nên quan tâm: Bị phong thấp kiêng ăn gì?

(Tổng hợp: Như Quỳnh)

Cập nhật lúc 21:50 - 28/05/2018

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan