Chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật – bạn có biết ?
Thoát vị đĩa đệm gây nên nhiều triệu chứng cho người bệnh, điển hình là những cơn đau. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí cũng như diễn tiến của bệnh mà cân nhắc nên lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn hay can thiệp phẫu thuật.
Theo một nghiên cứu, nhiều người đã có kết quả tốt hơn trong 1 – 2 tháng điều trị bảo tồn. Hình ảnh nghiên cứu cho thấy phần nhô ra của đĩa đệm do thoát vị có dấu hiệu co lại theo thời gian, điều này phản ánh mức độ cải thiện triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm. Điều trị bảo tồn chủ yếu là thực hiện các biện pháp để tránh đau đớn, phác đồ thuốc và vật lý trị liệu. Tùy thuộc vào tình hình bệnh, các bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân hướng điều trị bảo tồn như sau:
1. Nghỉ ngơi
Bác sĩ có thể đề nghị bạn nghỉ ngơi trên giường. Nghỉ ngơi trên giường là tốt nhất nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, bạn cần phải tiếp tục di chuyển để các khớp xương và cơ bắp của mình không bị cứng lại.
Giảm khối lượng công việc lại và tránh lao động, mang vác các vật nặng sẽ gây rất nhiều bất lợi cho quá trình điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Trong quá trình nghỉ ngơi, bạn có thể sử dụng túi nước đá hoặc một chiếc khăn ấm áp lên vị trí đĩa đệm bị thoát vị, để giúp giảm cảm giác đau đớn.
2. Thuốc men
Nếu cơn đau do thoát vị đĩa đệm từ nhẹ đến trung bình, các bác sĩ có thể chỉ định các thuốc giảm đau, giảm sưng như: aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin…), naproxen (Aleve, Naprosyn…) hoặc acetaminophen (Tylenol,…). Tuy nhiên, khi sử dụng với số lượng lớn trong một thời gian dài, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim hoặc chảy máu (xuất huyết tiêu hóa). Ở liều lượng lớn acetaminophen có thể gây hại cho gan.
Bác sĩ cũng có thể kê đơn các thuốc giãn cơ để giảm co thắt như diazepam (Valium), cyclobenzaprine (Flexeril). Trường hợp cơn đau thoát vị đĩa đệm không có dấu hiệu cải thiện với các loại thuốc trên, bác sĩ sẽ kê các thuốc giảm đau gây nghiện như codein hoặc kết hợp hydrocodone – acetaminophen (Lortab, Vicodin), các loại thuốc này chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn.
Một số thuốc giảm đau thần kinh cũng được sử dụng để điều trị bệnh nhân thoát vị đĩa đệm như: pregabalin (Lyrica), amitriptyline (Elavil, Vanatrip), gabapentin (Neurontin)…
3. Tiêm corticoid
Một cách chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật là tiêm corticoid vào không gian xung quanh các dây thần kinh cột sống. Đây là loại thuốc giảm bớt đau đớn, ức chế quá trình viêm trên cơ thể người bệnh thoát vị đĩa đệm.
Bác sĩ sẽ chụp X – quang hoặc CT scan để tìm đúng chỗ tiêm thuốc. Có thể người bệnh sẽ cần nhiều hơn là một mũi tiêm corticoid để giúp các triệu chứng phục hồi nhanh hơn.
4. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sẽ được kết hợp với các phương pháp trên để tạo nên các cách chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật.
Vật lý trị liệu cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có thể là:
- Áp dụng liệu pháp nhiệt và lạnh
Ban đầu, các túi lạnh có thể được dùng với công dụng giảm đau, chống sưng viêm tại vị trí đĩa đệm bị thoát vị. Sau một vài ngày, có thể chuyển sang áp nhiệt nóng nhẹ bằng các khăn ấm hoặc túi chườm nóng để giúp cải thiện các triệu chứng đau trên cơ thể người bệnh.
- Thực hiện các bài tập thể dục
Các bài tập thể dục nhẹ được thiết kế để giữ cho cơ bắp của bạn được linh hoạt và giảm thiểu sự đau đớn của thoát vị đĩa đệm. Việc tập thể dục để chữa thoát vị đĩa đệm cần phải có sự hướng dẫn của các bác sĩ hoặc người có trình độ chuyên môn.
- Kéo giãn giảm áp cột sống
Bản chất của phương pháp này là tạo ra áp lực âm ở trong lòng đĩa đệm nhằm mục đích giải nén, giúp nhân nhầy đĩa đệm dịch chuyển về vị trí tự nhiên ban đầu.
- Một số phương pháp điện trị liệu được áp dụng
Sóng ngắn: Có tác dụng giúp tăng cường tuần hoàn tại các mô sâu, từ đó cung cấp dinh dưỡng đến các vùng bị tổn thương và đẩy lùi sự hình thành các chất gây viêm.
Siêu âm: Làm cho hoạt động của màng tế bào mạnh lên, tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cục bộ, giúp giảm đau và chống viêm.
Kích thích điện: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp đau cấp tính, các cơ đau co thắt. Dòng điện được đưa vào cơ thể có tác dụng ức chế đường dẫn truyền thần kinh lên não, giảm co thắt các cơ và làm giảm bớt đau đớn.
Dùng tia laser cường độ cao: Kích thích vào quá trình tạo mô bằng tia laser có tần số cao, có tác dụng giảm đau cho người bệnh thoát vị đĩa đệm.
Theo kết quả từ các cuộc khảo sát cho thấy, với cách chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật, thời gian để bệnh nhân cải thiện triệu chứng thoát vị đĩa đệm thường mất từ 4 – 6 tuần hoặc lâu hơn tùy vào tình trạng khác nhau ở mỗi người. Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm sẽ được chỉ định trong trường hợp điều trị bảo tồn thất bại hoặc triệu chứng bệnh tiến triển ở mức độ nặng nề.
Phương Thảo
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!