Cả Đông và Tây y đều có các cách chữa thoát vị đĩa đệm mang kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh áp dụng cách chữa thích hợp thì việc chữa bệnh tại nhà bằng các bài tập, xoa bóp bấm huyệt cũng rất quan trọng. Với những nội dung dưới đây, chuyên mục sẽ hướng dẫn cho bạn đọc các mẹo xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà đơn giản.
Tuy y học hiện đại phát triển khá nhanh với các loại máy móc, trang thiết bị kỹ thuật chữa bệnh tiên tiến, nhưng điều đó không phủ nhận những tác dụng tích cực của phương pháp vật lý trị liệu mang lại, trong đó có phương pháp xoa bóp bấm huyệt.
Mẹo xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà
Mục đích của phương pháp xoa bóp bấm huyệt điều trị thoát vị đĩa đệm là nhằm làm tăng tuần hoàn tại chỗ, giải phóng sự chèn ép của các rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm. Làm giãn các cơ vùng đĩa đệm bị thoát vị, từ đó giúp giảm đau và hỗ trợ đưa đĩa đệm bị thoát vị trở về vị trí bình thường.
Trao đổi với Bác sĩ Y học cổ truyền Võ Quang Hùng, để thực hiện phương pháp xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh thoát vị đĩa đệm tại nhà. Trước hết, người thực hiện xoa bóp bấm huyệt tại nhà cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cần biết rõ vị trí của các huyệt đạo liên quan và các thao tác thực hiện.
1. Xác định vị trí huyệt đạo liên quan
- Huyệt Thận du: Nằm ở mỏm gai L2 đo ra 1,5 thốn.
- Huyệt Đại trường du: Từ mỏm gai L4 đo ra 1,5 thốn.
- Huyệt Can du: Từ mỏm gai D9 đo ra 1,5 thốn.
- Huyệt Hoàn khiêu: Nằm ở chỗ lỏm sau dưới mấu chuyển lớn của xương đùi, hay nằm ở 1/3 ngoài và 2/3 trong đoạn nối chỗ lồi cao mấu chuyển lớn xương đùi với mỏm gai S4.
- Huyệt Thừa phù: Nằm chính giữa nếp lằn mông, thẳng ụ ngồi của xương chậu.
- Huyệt Túc tam lý: Dưới gối 3 thốn, trong chỗ nổi lên của gân cơ lớn ngoài cẳng chân.
- Huyệt Uỷ trung: Huyệt nằm chính giữa nếp lằn khoeo chân.
- Huyệt Phong thị: Nằm ở vị trí trên khe khớp gối 7 thốn, bờ sau cơ căng cân đùi phía mặt ngoài đùi. Hoặc được xác định bằng cách để xuôi tay dọc theo đùi, ngón giữa để sát bờ sau cơ căng cân đùi, vị trí huyệt nằm tương ứng với đầu ngón giữa.
- Huyệt Thừa Sơn: Nằm ở đầu dưới khe giữa hai cơ sinh đôi.
- Huyệt Côn lôn: Là điểm giữa đoạn thẳng đi qua chỗ cao nhất của mắt cá chân ngoài và bờ gân gót.
- Huyệt Chiếu hải: Nằm ở chỗ lõm thẳng mỏm cao nhất của mắt cá trong đo xuống 1 thốn.
Ngoài ra có thể xác định một số huyệt liên quan khác như huyệt Túc lâm khấp (nằm trong khe gian đốt xương bàn chân 4,5, chỗ lõm sau gân duỗi ngón út của gân duỗi chung các ngón), huyệt Thái xung…
2. Kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà
Bác sĩ Hùng cho biết, việc xoa bóp bấm huyệt phải tuân thủ theo nguyên tắc: Thư cân hoạt lạc, hoạt huyết chỉ thống và toàn bộ quy trình xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh thoát vị đĩa đệm phải được tiến hành theo các bước như sau:
♦ Bước 1: Kỹ thuật làm mềm và giãn cơ vùng lưng, mông
- Tư thế của bệnh nhân: Nằm sấp, toàn thân thư giãn, vùng ngực áp vào giường, 2 tay để dọc thân và 2 chân duỗi thẳng.
- Tư thế của người thực hiện: Người thực hiện xoa bóp bấm huyệt cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đứng về phía bên đau của bệnh nhân.
- Thao tác thực hiện:
#Xoa: Sử dụng ngón tay, gốc bàn tay hoặc mô của ngón tay út, ngón tay cái xoa nhẹ nhàng vùng thắt lưng – hông, mặt sau ngoài của hai chân, đặc biệt vị trí xoa trọng tâm là vùng thắt lưng cùng, xoa từ bên không đau đến bên đau trong thời gian là 5 phút.
#Day: Dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, mô ngón cái. Sau đó hơi dùng sức ấn xuống da người bệnh dọc theo hai bên khối cơ cạnh sống, xương hông và mặt ngoài chân từ phía không đau đến phía đau của bệnh nhân. Thời gian thực hiện là 3 phút. Nên thực hiện động tác chậm và mức độ dùng sức nặng hay nhẹ phụ thuộc tình trạng của bệnh nhân.
#Bóp: Sử dụng ngón tay cái và các ngón tay khác bóp vào vị trí cơ vùng thắt lưng – hông. Có thể vừa bóp vừa kéo cơ và da lên. Động tác cần thực hiện nhẹ nhàng, không nên dùng lực bóp ở đầu các ngón tay vì có thể gây đau cho bệnh nhân.
#Lăn: Dùng mô ngón tay út và 4 ngón còn lại lăn dọc theo hai khối cơ cạnh sống xuống hông trong thời gian là 5 phút. Tiếp theo làm động tác tương tự những lăng từ hông xuống chân trong thời gian khoảng 2 phút.
→ Sau khi thực hiện các bước trên, người bệnh sẽ cảm nhận được cơ ở vùng lưng mông được mềm mại, giãn ra và cảm giác căng cứng do thoát vị đĩa đệm cột sống được giảm đi đáng kể, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
♦ Bước 2: Kỹ thuật bấm huyệt
Bệnh nhân hoặc người thực hiện xoa bóp bấm huyệt giữ vị trí như ở bước 1 và thực hiện thao tác bấm huyệt như sau:
- Dùng ngón tay cái, mô ngón tay cái và gốc bàn tay hoặc khuỷu tay bấm vào vị trí các huyệt, các A thị huyệt (được xác định bằng việc khi ấn vào cơ thể người bệnh, tại vị trí nào mà người bệnh có dấu hiệu đau và reo lên).
- Mỗi huyệt bấm và giữ trong thời gian từ 20 – 30 giây, lực bấm tùy thuộc vào sức chịu đựng của bệnh nhân.
→ Kỹ thuật bấm huyệt đúng sẽ làm cho cơ vùng lưng và mông của bệnh nhân trở nên mềm ra, giãn tối đa, bệnh nhân không còn có cảm giác căng cứng và thoải mái hơn.
♦ Bước 3: Tác động lên các khớp
#Động tác: Xoay khớp háng và khớp cùng chậu
- Bệnh nhân nằm ngửa sao cho đùi vuông góc với thân, cẳng chân vuông góc với đùi, thả lỏng vùng khớp gối và khớp háng.
- Người thực hiện sẽ tiến hành xoay hai chân của bệnh nhân theo chiều từ phải sang trái rồi làm ngược lại, làm như vậy mỗi bên 5 lần. Sau đó, một tay giữ vai bệnh nhân ở vị trí cố định, tay kia vặn từng chân của bệnh nhân trong tư thế gấp đùi vào bụng sang phía đối diện với vai của bệnh nhân đã được cố định.
- Tiếp theo, bệnh nhân nằm nghiêng lại, chân trên gấp nhẹ còn chân dưới duỗi thẳng, tay để dọc thân. Người thực hiện sẽ vặn cột sống của bệnh nhân từng bên. Thực hiện động tác này ở bên phải trước rồi chuyển sang làm bên trái. Nên thực hiện nhẹ nhàng, chậm rãi, vừa làm vừa quan sát khả năng chịu đựng của bệnh nhân.
#Động tác: Kéo giãn cột sống bằng tay
Bệnh nhân nằm sấp, hai tay bám chặt ở thành trên của giường. Người thực hiện đứng ở phía chân bệnh nhân, nắm lấy hai cổ chân của bệnh nhân rồi dùng lực kéo dọc theo chiều cơ thể của bệnh nhân.
Thực hiện đúng các động tác trên sẽ khiến cho cột sống được giãn ra, các khớp vận động dễ dàng và giúp đĩa đệm có thể trở về vị trí ban đầu.
⇒ Cách xác định vị trí huyệt đạo và các kỹ thuật trên đây giúp người bệnh thực hiện xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà một cách hiệu quả, giúp các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Ngoài ra, ngay tại nhà, bệnh nhân cũng có thể thực hiện một số bài tập thể dục tốt cho người bị thoát vị đĩa đệm hoặc vận động nhẹ như bơi lội, đạp xe, yoga… cũng mang lại kết quả tốt, giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng và khôi phục bệnh nhanh nhất có thể.
Song Lam
Nên xem thêm: Bật mí cách chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!