Hội chứng cổ vai cánh tay và những điều cần biết

Hội chứng cổ vai cánh tay là bệnh lý nhiều người mắc phải, tuy nhiên không phải ai cũng có hiểu biết cụ thể về bệnh lý này.

Hội chứng cổ vai cánh tay là gì? Nguyên nhân nào gây ra hội chứng này? Cách điều trị ra sao? Chính là các vấn đề trong bài viết sau.

Hội chứng cổ vai cánh tay và những điều cần biết
Hội chứng cổ vai cánh tay và những điều cần biết

Tìm hiểu về hội chứng cổ vai cánh tay

Hội chứng cổ vai cánh tay còn được gọi là bệnh lý rễ tủy cổ, là tập hợp các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý đốt sống cổ. Bện cạnh đó, đi kèm là những rối loạn chức năng ở rễ thần kinh cổ hoặc tủy cổ gây ra các cơn đau ở vùng cổ, vai gáy, cánh tay, có thể đi kèm với những rối loạn cảm giác ở vị trí này. Nếu duy trì trong thời gian lâu dài, các cơn đau này còn khiến phần vai cánh tay khó vận động và bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

1. Nguyên nhân gây hội chứng cổ vai cánh tay.

Nguyên nhân gây ra hội chứng cổ vai cánh tay có thể do những bệnh lý sau.

  • Thoái hóa đốt sống cổ chính là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra hội chứng này, chiếm khoảng 70-80%. Thoái hóa đốt sống cổ ở các khớp liên đốt và liên mỏm bên, khiến lỗ tiếp hợp bị chèn ép và bị hẹp. Hậu quả gây ra là chèn ép các dây thần kinh cột sống ở vị trí này và gây ra các cơn đau ở vùng vai và cánh tay.
  • Thoát vị đĩa đệm cổ cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng cổ vai cánh tay, tuy nhiên tỉ lệ thấp hơn, chỉ chiếm từ 20-30%. Nhân nhầy từ đĩa đệm thoát ra chèn ép lên các dây thần kinh vùng cổ và cánh tay.
  • Bệnh loãng xương, viêm cột sống,… cũng có thể gây ra hội chứng cổ vai cánh tay dù không phổ biến.

Ngoài ra, chấn thương do tai nạn hoặc lao động có thể gây tổn thương đến các dây thần kinh ở vùng này và gây ra hội chứng cổ vai cánh tay. Do đó, bất kỳ tổn thương nào lên hệ thống xương khớp, người bệnh cũng nên điều trị dứt điểm, không chỉ gây ra hội chứng cổ vai cánh tay chấn thương không được điều trị dứt điểm còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

2. Triệu chứng của hội chứng cổ vai cánh tay

Ban đầu hồi chứng cổ vai cánh tay sẽ khiến vùng cổ xuất hiện các cơn đau, sau đó lan ra vùng cánh tay. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy mỏi và tê bại ở vùng này, dẫn đến giảm khả năng hoạt động của cánh tay và bàn tay.

Sau đó, cơn đau có thể phát triển và gây ra nhiều biến chứng nặng nề và đau đớn. Đến giai đoạn này, các hoạt động hàng ngày đều gặp phải khó khăn nhất định. Các cơn đau đi kèm theo cảm giác tê buốt và nhức mỏi.

Nếu kéo dài tình trạng có thể khiến hai cánh tay tê bại, cơn đau xuất hiện nhiều và dai dẳng ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của người bệnh. Ở giai đoạn này, bất kể tác động dù nặng hay nhẹ đều có thể khiến cơn đau xuất hiện ở vị trí này.

Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay hiệu quả

Hội chứng cổ vai cánh tay có rất nhiều cách điều trị, người bệnh có thể tham khảo những cách phổ biến được chúng tôi trình bày ngay sau đây.

1. Điều trị bằng thuốc

Các cơn đau do hội chứng cổ vai cánh tay có thể được cải thiện nhờ vào các loại thuốc giảm đau. Tùy vào mức độ bệnh mà người bệnh sẽ được chỉ định loại thuốc thích hợp.

Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay bằng thuốc tây
Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay bằng thuốc tây
  • Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất chính là paracetamol, có thể được dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với opiad hoặc tramadol.

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) làm giảm những cơn đau nhanh chóng tuy nhiên thời gian phát huy tác dụng phụ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân, hơn nữa loại thuốc này có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn.

  • Thuốc giãn cơ

Thuốc giãn cơ được sử dụng khi cơn đau đi kèm theo tình trạng co cứng cơ. Các loại thuốc giãn cơ thường được sử dụng bao gồm epirisone, tolperisone, mephenesine, diazepam,….

  • Các loại thuốc khác

Thuốc giảm đau thần kinh là loại thuốc tác động lên thần kinh, khiến não bộ tiết ra chất giảm đau tự nhiên. Các loại thuốc thường gặp như Gabapentin, pregabalin,…

Corticosteroid: Được sử dụng khi người bệnh sử dụng các loại thuốc khác nhưng không thấy hiệu quả. Thông thường người bệnh được chỉ định dùng corticosteroid đường uống, tuy nhiên với một số trường hợp đau đớn và cứng cơ nghiêm trọng, người bệnh có thể được bác sĩ tiêm corticosteroid vào vùng đau nhức để cải thiện cơn đau.

Thuốc chống trầm cảm: được sử dụng khi các cơn đau ảnh hưởng đến dây thần kinh, gây ra các cơn đau đầu và ảnh hưởng giấc ngủ nghiêm trọng. Amitriptyline và nortriptyline là hai loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng để giảm các cơn đau của hội chứng cổ vai cánh tay.

2. Điều trị bằng phẫu thuật

Phương pháp này dánh cho người bị hội chứng cổ vai cánh tay do các bệnh lý mãn tính về xương khớp gây ra như thoát vị đĩa đệm cổ, thoái hóa đốt sống cổ,… Thông thường, khi bệnh đã dẫn đến biến chứng về hội chứng cổ vai cánh tay tức là bệnh đã đến giai đoạn cần can thiệp bằng phẫu thuật xâm lấn.

Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay bằng phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ

Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ phần đĩa đệm hư tổn hoặc thay thế bằng đĩa đệm/ đốt sống nhân tạo, do đó sự chèn ép lên các dây thần kinh sẽ giảm đi nhanh chóng. Hội chứng cổ vai cánh tay cũng được cải thiện ngay khi người bệnh điều trị thành công bệnh lý gây ra tình trạng này. Mặc dù có hiệu quả cao những phẫu thuật chỉ được chỉ định khi bệnh tình không có chuyển biến tích cực khi thực hiện các phương pháp điều trị bảo tồn và bắt buộc phải có sự cho phép từ bác sĩ chuyên khoa.

3. Điều trị không dùng thuốc

Một số phương pháp điều trị không dùng thuốc nhưng an toàn hơn phẫu thuật giúp giảm những cơn đau của hội chứng cổ vai cánh tay như: vật lý trị liệu, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt,…

  • Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu chữa hội chứng cổ vai cánh tay bao gồm các phương pháp sau:

Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay bằng vật lý trị liệu
Vậy lý trị liệu là phương pháp điều trị hội chứng cổ vai cánh tay an toàn và đem lại hiệu quả cao

Nhiệt trị liệu là phương pháp điều trị hội chứng cổ vai cánh tay bằng cách sử dụng tia hồng ngoại và đắp paraphin lên vùng đau nhức giúp giãn mạch, chống co cứng và giảm các cơn đau nhanh chóng.

Điện trị liệu là phương pháp dùng bước sóng ngắn và điện phân tác động vào vùng cổ, vai, cánh tay để làm giảm viêm, chống co thắt, tăng cường khả năng lưu thông máu,… từ đó những cơn đau của bệnh cũng sẽ giảm đi đáng kể.

Siêu âm là phương pháp dùng sóng âm điều trị những tổn thương sâu bên trong, giảm viêm và chống đau nhức. Bên cạnh đó, siêu âm còn kích thích tăng cường vận chuyển máu, cải thiện hệ thống xương khớp, giúp người bệnh dễ dàng vận động linh hoạt ở vị trí này.

Điều trị bằng tia laser đem lại hiệu quả tương tự như phương pháp siêu âm, tuy nhiên chính vì tia laser nhỏ và có năng lượng cao hơn nên người bệnh có thể cải thiện những tổn thương ở các mô cơ sâu bên trong.

Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được chuyên viên hướng dẫn những bài tập tại nhà để có thể cải thiện cơn đau của hội chứng cổ vai cánh tay một cách dứt điểm.

  • Xoa bóp và châm cứu

Để giảm những cơn đau ở vùng cổ, vai, cánh tay, người bệnh có thể nhờ người thân xoa bóp ở vùng này để giải phóng tắc nghẽn, giúp máu huyết lưu thông thuận lợi, hạn chế tình trạng cứng khớp và đau nhức.

Nếu cơn đau có chuyển biến theo hướng trầm trọng hơn, các động tác từ tay không thể tác động sâu đến dây thần kinh bên trong. Lúc này người bệnh cần đến các cơ sở và nhờ sự giúp đỡ từ chuyên viên để thực hiện châm cứu. Phải đảm bảo người thực hiện có trình độ chuyên môn cao, bởi nếu không xác định đúng các huyệt vị kết quả điều trị sẽ không được đảm bảo.

Ngoài những phương pháp điều trị hội chứng cổ vai cánh tay trên, người bệnh nên thực hiện những lưu ý sau để cải thiện bệnh một cách hiệu quả nhất.

  • Thay đổi tư thế làm việc, ngồi thẳng lưng và giữ cổ thẳng. Nên đi lại sau khi ngồi 2 giờ đồng hồ để giảm áp lực lên vùng vai và cổ.
  • Tập thể dục thường xuyên chính là yếu tố quan trọng trong việc điều trị các bệnh lý về xương khớp. Hơn nữa đây cũng là cách cải thiện sức khỏe, giúp tăng cường khả năng trao đổi chất, quá trình lưu thông máu được tốt hơn.
  • Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, hạn chế tình trạng làm việc quá 8 giờ đồng hồi gây áp lực lên hệ thống xương khớp và hệ thống thần kinh.
  • Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bệnh lý này, do đó bạn cần thiết lập một chế độ ăn lành mạnh và khoa học, bệnh tình nhất định sẽ có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
  • Nếu tính chất công việc khiến vai bạn phải chịu nhiều áp lực, bạn có thể sử dụng nẹp vai để giảm bớt áp lực lên vị trí này.

Bài viết đã tổng hợp những thông tin cần thiết xung quanh hội chứng cổ vai cánh tay, hy vọng qua các thông tin này người bệnh đã có những hình dung cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bệnh hội chứng cổ vai cánh tay một cách hiệu quả. Chúc mọi người nhiều sức khỏe!

Phương Thảo

Bạn nên tham khảo:

Cập nhật lúc 14:22 - 02/10/2018

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan