Đĩa đệm bị thoái hóa là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau lưng và đau cổ cho nhiều người .Mặc dù căn bệnh này có thể gây ra các cơn đau kéo dài dai dẳng cho bệnh nhân, tuy nhiên tin tốt là người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn đau và ngăn chặn tình trạng thoái hóa bằng các phương pháp chữa trị khác nhau.
Vậy đĩa đệm bị thoái hóa điều trị như thế nào ? Cùng chuyên khoa xương khớp tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
I. Bệnh thoái hóa đĩa đệm là gì?
Từ trước tới nay có lẽ mọi người đã nghe nói nhiều đến khái niệm thoát vị đĩa đệm hay bệnh thoái hóa khớp chứ căn bệnh thoái hóa đĩa đệm lại ít khi được nhắc tới và biết đến. Căn bệnh này xảy ra khi các đĩa đĩa đệm có hiện tượng bị hao mòn, suy giảm khả năng hoạt động do tiến trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Vì vậy đối với người lớn tuổi thì tình trạng đĩa đệm bị thoái hóa là hết sức bình thường. Bệnh không có nhiều triệu chứng và đa số bệnh nhân có thể sống chung với căn bệnh này mà không cần phải điều trị nếu như các triệu chứng của bệnh không quá trầm trọng.
Ban đầu bệnh thoái hóa đĩa đệm chỉ gây ra những cơn đau nhẹ ở vùng thắt lưng hoặc vùng cổ. Thế nhưng khi bệnh trở nặng thì những tác động xấu từ bên ngoài có thể khiến bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách và làm cho phần nhân nhày bên trong bị hư hại.
Đĩa đệm cũng dần trở nên xơ cứng và gây ra tình trạng ma sát đĩa đệm khiến bệnh nhân bị đau đớn mỗi khi cử động. Trong giai đoạn trầm trọng, các cơn đau trở thành mãn tính và xuất hiện thường xuyên hơn. Người bệnh có thể bị đau quằn quại vài tiếng đồng hồ, thậm chí là vài ngày liên tục.
Cơn đau có thể lan từ cổ lên đầu hoặc sang hai bên bả vai và vùng cánh tay hoặc đĩa đệm bị thoái hóa nằm ở vùng thắt lưng thì lại đau ở cả mông, hông, đùi và khu vực cẳng chân. Một số bệnh nhân bị thoái hóa đĩa đệm có thể gặp khó khăn khi ngồi, cúi xuống hoặc vặn mình do vùng thắt lưng phải gánh chịu một áp lực rất lớn từ trọng lượng ở phần thân trên của cơ thể đè nén xuống.
Mặc dù căn bệnh này không quá nguy hiểm, xong nó lại khiến cho chất lượng đời sống của bệnh nhân bị giảm sút. Và một khi người bệnh thường xuyên bị các cơn đau lưng kéo dài hành hạ thì nên tìm cách điều trị bệnh sớm để ngăn chặn sự tiến triển của thoái hóa bảo vệ chức năng vận động của cột sống.
II. Cách điều trị đĩa đệm bị thoái hóa
Để điều trị thoái hóa đĩa đệm, bệnh nhân chủ yếu được sử dụng thuốc và các phương pháp bổ trợ để làm giảm triệu chứng đau lưng, đau cổ do căn bệnh này mang lại.
Đau do bệnh thoái hoá đĩa là do sự kết hợp của tình trạng ma sát đĩa đệm với tình trạng viêm từ các đĩa thoái hóa. Chính vì vậy phải giải quyết các vấn đề này để giảm thiểu đau đớn cho người bệnh.
1. Điều trị đĩa đệm bị thoái hóa bằng thuốc
- Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau điển hình dùng để điều trị chứng đau lưng bao gồm Acetaminophen, NSAIDs , Steroid đường uống . Mỗi loại thuốc có những điểm mạnh, hạn chế và nguy cơ nên việc sử dụng các loại thuốc này như thế nào, dùng với liều lượng ra sao và uống trong bao lâu sẽ do bác sĩ chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt sau khi xem xét về mức độ bệnh tình của mỗi người bệnh.
- Thuốc làm giãn cơ: Loại thuốc này cũng có tác dụng hỗ trợ giảm đau, chống xơ cứng ở các cơ xung quanh đĩa đệm bị thoái hóa. Nhóm thuốc giãn cơ được chỉ định trong điều trị thoái hóa đĩa đệm bao gồm Metocarbamol, EperisoneHCl, Olperisone, Mephenesin …
- Thuốc chống thoái hóa có tác dụng chậm: Glucosamine sulfate, Diacerein
- Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm Glucocorticoid cạnh cột sống không quá 3 lần/ năm giúp kháng viêm và giảm các triệu chứng của bệnh.
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bảo tồn được áp dụng trong điều trị đĩa đệm bị thoái hóa và nó cũng mang lại những kết quả tương đối khả quan.
Bệnh nhân sẽ được trực tiếp hướng dẫn luyện tập bởi các chuyên gia vật lý trị liệu để đạt được hiệu quả tối ưu. Một số phương pháp hiện đang được áp dụng như:
- Siêu âm: Đối với những trường hợp bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng do đĩa đệm ở khu vực này bị thoái hóa thì siêu âm có thể được chỉ định để làm ấm, tăng lượng máu và chất dinh dưỡng lưu thông đến nuôi dưỡng vùng bệnh.
- Massage: Điều trị đĩa đệm bị thoái hóa bằng cách massage, xoa bóp sẽ giúp giảm đau lưng nhờ tác dụng cải thiện lưu thông máu, giảm tình trạng căng cứng cơ, tăng khả năng vận động và làm tăng hàm lượng endorphin trong cơ thể.
- Ngoài ra, các phương pháp như chườm nóng, chườm lạnh, châm cứu, tâm lý trị liệu cũng được thực hiện trên một số bệnh nhân.
3. Phẫu thuật điều trị đĩa đệm bị thoái hóa
Trong trường hợp các biện pháp trên không mang lại hiệu quả như mong đợi thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Bên cạnh đó nếu bệnh nhân có các triệu chứng bị rối loạn hay mất kiểm soát hoạt động đại tiểu tiện, có hội chứng đuôi ngựa ( đau lưng nhiều, chân yếu, rối loạn đại tiện…) thì cần được can thiệp bằng phẫu thuật sớm.
⇒ Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị đĩa đệm bị thoái hóa khác nhau, việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí đĩa đệm tổn thương, mức độ trầm trọng của thoái hóa hay các triệu chứng lâm sàng người bệnh đang gặp phải…
Một vài biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật như mất nhiều máu, nhiễm trùng vết mổ, tổn thương các dây thần kinh xung quanh…Tuy nhiên những biến chứng này ít khi xảy ra và lợi ích của phẫu thuật mang lại luôn lớn hơn rủi ro nên đây vẫn được coi là một phương pháp điều trị rất có ích, đặc biệt là cho những trường hợp bị nặng.
Song Lam
THAM KHẢO THÊM: Hướng dẫn cách giảm đau lưng nhanh chóng bằng đậu đen
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!