Đau khớp xương chậu khi mang thai là tình trạng thường gặp ở mẹ bầu, nhất là những tháng cuối thai kỳ. Cơn đau xương chậu khiến sức khỏe mẹ bầu giảm sút, thường xuyên khó chịu và mệt mỏi.
Mặc dù không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên mẹ bầu cần tìm hiểu các nguyên nhân gây ra tình trạng này để có thể xử lý khi tình trạng xuất hiện.
Nguyên nhân đau khớp xương chậu khi mang thai thường gặp
Khớp xương chậu nằm ở phần hông, là nơi tiếp giáp giữa phần trên và phần dưới cơ thể. Khớp xương chậu sẽ cử động khi cơ thể xoay người hoặc di chuyển. Đây là khớp chịu áp lực từ toàn bộ phần trên cơ thể nên rất dễ bị tổn thương và phát sinh cơn đau. Đối tượng dễ mắc phải cơn đau khớp xương chậu là phụ nữ mang thai, nhất là mẹ bầu ở quý 3 của thai kỳ.
Tình trạng này có thể là ảnh hưởng của những thay đổi sinh lý trong cơ thể mẹ hoặc có thể là hệ quả của những chấn thương trước đây. Chúng tôi đã tổng hợp những nguyên nhân gây đau khớp xương chậu khi mang thai thường gặp nhất ngay sau đây.
1. Do trọng lượng bào thai lớn
Cơn đau khớp xương chậu nói riêng và các cơn đau xương khớp nói chung thường xuất hiện ở những tháng cuối thai kỳ. Điều này được lý giải là do cơ thể mẹ tăng trọng lượng đáng kể, trọng lượng cơ thể tạo áp lực lên vùng hông và thắt lưng của cơ thể.
Vào những tháng cuối thai kỳ, kích thước và cân nặng của bào thai càng tăng lên, áp lực đè nén lên xương mu, khớp xương chậu cũng sẽ tăng lên theo tỷ lệ thuận.
Trong trường hợp bào thai lớn hoặc mẹ mang đa thai, tình trạng có thể xuất hiện ở giữa thai kỳ và mức độ nặng nề hơn.
2. Thiếu canxi
Từ tháng thứ 5, thai nhi bắt đầu hình thành hệ thống xương vì vậy mẹ bầu cần thu nạp hàm lượng canxi lớn để đáp ứng được nhu cầu của cả mẹ và bé. Trong trường hợp không cung cấp đủ canxi, tình trạng thiếu hụt xảy ra khiến xương khớp mẹ suy yếu và dễ bị tổn thương.
Xương khớp yếu cộng với áp lực từ bào thai chính là nguyên nhân khiến mẹ bầu xuất hiện cơn đau khớp xương chậu và các cơn đau xương khớp khác.
3. Cơ thể tăng hormone relaxin
Hormone relaxin được sản sinh vào những tháng cuối thai kỳ – hormone này giúp xương chậu giãn ra để có đủ không gian cho em bé quay đầu, đây cũng là sự chuẩn bị của cơ thể cho kỳ sinh nở sắp đến.
Khớp xương chậu dịch chuyển vô tình va vào nhau, gây tổn thương lên đầu xương và làm phát sinh cơn đau ở vị trí này. Yếu tố này cùng với trọng lượng lớn từ bào thai đè nén lên vùng xương chậu khiến tình trạng xuất hiện ở hầu hết mẹ bầu trong những tháng cuối thai kỳ.
4. Ít vận động
Khi thai nhi phát triển lớn, việc di chuyển và vận động của mẹ bầu trở nên khó khăn. Đây chính là yếu tố cản trở khiến mẹ bầu lười vận động và không luyện tập thể thao. Ít vận động khiến xương khớp cứng, thiếu linh hoạt và nhạy cảm hơn với các tác nhân bên trong và bên ngoài cơ thể
Tình trạng đau khớp xương chậu thường xuất hiện ở mẹ bầu lười vận động, thường xuyên ngồi hoặc nằm.
5. Sinh nở nhiều lần
Cơ thể phụ nữ sẽ yếu dần qua mỗi lần sinh nở, vì vậy những người đã sinh nở nhiều lần, hệ thống xương khớp và sức khỏe đã suy yếu hơn rất nhiều so với lần đầu mang thai.
Điều này rất dễ dàng nhận thấy, vì sau mỗi lần sinh phụ nữ sẽ cảm thấy cơ thể yếu đi, xương khớp giòn, yếu và thiếu chắc chắn. Mẹ bầu mang thai lần thứ 2, 3 thường gặp phải cơn đau ở xương chậu và các vùng lân cận hơn những người mang thai lần đầu tiên.
6. Dư chấn từ tai nạn
Nếu trong thời gian thai kỳ hoặc trước đó không lâu mẹ bầu gặp tai nạn và bị chấn thương ở vùng xương chậu, cơn đau có thể tái phát ở giữa hoặc cuối thai kỳ.
Những vết nứt hoặc tổn thương ở xương sẽ bị kích thích bởi những sự thay đổi trong cơ thể mẹ, gây ra những cơn đau nhức xương khớp.
Trên đây là 6 nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng đau khớp xương chậu. Một số mẹ bầu gặp phải tình trạng này có thể do các bệnh lý mãn tính có sẵn trong cơ thể như thoái hóa khớp háng, bệnh thận,…
Cách xử lý cơn đau khớp xương chậu khi mang thai an toàn
Nếu cơn đau xuất phát từ những bệnh lý mãn tính, chúng tôi khuyến khích mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị thích hợp. Mang thai là thời điểm nhạy cảm, tác động lên cơ thể mẹ đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy mẹ bầu tuyệt đối không tùy tiện sử dụng các loại thuốc điều trị.
Với các nguyên nhân sinh lý từ cơ thể hoặc do dư chấn tai nạn, mẹ bầu có thể tham khảo những cách xử lý sau đây:
- Sử dụng đai nâng đỡ bụng bầu để giảm áp lực của thai nhi lên xương chậu và các cơ quan xương khớp lân cận.
- Nên ngồi và đứng đúng tư thế, tránh để áp lực từ cả phần trên cơ thể chèn ép và gây tổn thương xương khớp ở vùng hông.
- Luyện tập yoga hoặc các bộ môn thể thao nhẹ nhàng để nâng cao chất lượng xương khớp, tăng độ dẻo dai và linh hoạt. Từ đó giảm thiểu cơn đau khớp xương chậu và giúp mẹ bầu dễ dàng hơn trong kỳ sinh nở.
- Bổ sung canxi và những nhóm thực phẩm lành mạnh để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nên bổ sung dưỡng chất theo quá trình phát triển của thai nhi để phòng tránh thiếu hụt dinh dưỡng và đảm bảo sự phát triển của bé.
- Nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, giữ đầu óc thoải mái, tránh căng thẳng và áp lực, nhất là những tháng cuối thai kỳ.
- Tránh di chuyển quá nhiều hoặc sử dụng giày cao gót trong suốt thời gian mang thai.
Với các cách xử lý này, cơn đau khớp xương chậu khi mang thai sẽ nhanh chóng được cải thiện. Nếu tình trạng tiếp diễn nghiêm trọng hoặc đi kèm với những dấu hiệu khác lạ, mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bài viết đã cung cấp những thông tin về các nguyên nhân gây đau khớp xương chậu khi mang thai và cách xử lý an toàn. Hy vọng qua bài viết, mẹ bầu có thể dễ dàng ứng phó khi tình trạng này xuất hiện!
Phạm Trang
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!