Chứng bệnh khô dịch khớp xương chính là nguyên nhân thúc đẩy quá trình lão hóa xương khớp đến nhanh hơn, tìm hiểu và phòng ngừa bệnh lý này chính là điều rất cần thiết, nhất là đối với những người cao tuổi.
Khô dịch khớp xương là giai đoạn chuẩn bị cho sự thoái hóa và tổn thương khớp, nếu mọi người không đủ kiến thức để ức chế mầm bệnh. Các bệnh lý xương khớp mãn tính sẽ có cơ hội để phát triển và gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Tìm hiểu về chứng bệnh khô dịch khớp xương
Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh – Chuyên gia Xương Khớp – Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM cho biết:
“Khô dịch khớp xương là tình trạng khớp xương có lượng dịch nhầy rất ít hoặc hoàn toàn mất hẳn. Một khớp xương bao gồm hai xương được bao bọc bởi mô sụn, giữa mô sụn chính là dịch nhầy. Dịch nhầy là chính là yếu tố giúp xương khớp dễ dàng vận động mà không có cảm giác đau đớn, chúng giúp khớp trơn và linh hoạt đồng thời giảm ma sát giữa các xương. Tuy nhiên, khi dịch nhầy giảm đi nhanh chóng làm xuất hiện chứng bệnh khô dịch khớp xương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận động của người bệnh.
Bệnh hình thành từ những sai lầm trong chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người bệnh, gây ra hai nguyên nhân trực tiếp hình thành chứng bệnh khô dịch khớp xương. Một là do cơ thể không có đủ thành phần dinh dưỡng để hình thành chất nhầy, cung cấp đủ cho tất cả các khớp. Hai là do rối loạn vận chuyển, tức là phần dịch nhầy vẫn được sản xuất đủ nhưng vì lý do gì đó mà những dịch nhầy này không được vận chuyển đến các khớp, dẫn đến tình trạng khô dịch khớp.”
1. Nguyên nhân của chứng bệnh khô dịch khớp xương
Khô dịch khớp xương là bệnh lý hình thành do nhiều nguyên nhân, dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:
- Tương tự như các bệnh lý về xương khớp khác, khô dịch khớp xương là bệnh lý bị chi phối bởi quá trình lão hóa. Khi tuổi tác con người lên cao, lượng chất nhầy được sản xuất ra ít hơn lúc trẻ, đó là lý do người già thường mắc những bệnh xương khớp. Giai đoạn khô dịch khớp chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, đây là bước chuyển giao để hình thành những bệnh lý mãn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp,…
- Ở độ tuổi thiếu niên, vẫn có những trường hợp gặp phải tình trạng khô dịch khớp. Điều này bắt nguồn từ những thay đổi lớn ở xương, dây chằng, khiến cơ thể không kịp sản sinh dịch nhầy cho khớp. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường, thường sẽ được cải thiện khi xương khớp bước vào giai đoạn ổn định.
- Ngược lại với nguyên nhân do lão hóa, khô dịch khớp có thể là hệ lụy từ những bệnh lý mãn tính, như viêm khớp. Tổn thương ở khớp khiến mô sụn và xương tổn thương, lúc này cơ thể sẽ tập trung để tái tạo lại những tế bào hư hại nên không tập trung vào việc sản sinh dịch nhầy khiến khớp khô dẫn đến tình trạng cứng khớp vào buổi sáng.
- Những người vận động thường xuyên, hay mang vác đồ nặng khiến khớp nhanh hư tổn hơn, mô sụn bị bào mòn và dịch nhầy sản sinh ít hơn bình thường. Đây là nguyên nhân gây ra chứng bệnh khô dịch khớp xương thường gặp ở những người còn trẻ.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu chất nên cơ thể không có đủ thành phần để sản sinh ra dịch nhầy, những thành phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh dịch nhầy, bao gồm: vitamin E, nước, khoáng chất, collagen,…
Một số nguyên nhân khác gây ra chứng bệnh khô khớp xương như: chấn thương, vôi hóa khớp, béo phì,….
2. Triệu chứng khô dịch khớp xương
Dưới đây là những triệu chứng đặc trưng của chứng bệnh khô dịch khớp xương:
- Ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy hơi khó chịu khi vận động các khớp, cơn đau chỉ thoáng quá nên nhiều người thường không chú ý. Sau đó sẽ nghe những tiếng động khi cử động khớp, lúc này dịch khớp đã giảm nghiêm trọng, khi vận động khớp xương va chạm vào nhau và tạo thành những tiếng động này.
- Sau đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức hơn khi vận động, nhất là khi chạy, nhảy hoặc cử động mạnh.
- Cơn đau sẽ có xu hướng lan từ vùng đầu gối xuống cẳng chân, bàn chân, đôi lúc có cảm giác tê bì và ngứa ran do khớp đè nén lên dây thần kinh và mạch máu.
- Tổn thương khớp có thể trầm trọng hơn nếu tình trạng khô dịch khớp xương kéo dài, lúc này đầu gối sẽ có những biểu hiện như nóng, rát và sưng đỏ.
Dịch khớp đóng vai trò quan trọng trong ổ khớp, nếu thành phần này suy giảm sẽ dẫn đến những hệ lụy kéo theo. Người bệnh không nên coi nhẹ bệnh lý này, bên cạnh đó cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh khô dịch khớp để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Phòng ngừa chứng bệnh khô dịch khớp xương hiệu quả
Phòng ngừa chính là cách duy nhất giúp bạn bảo vệ sức khỏe và tránh xa những bệnh lý nguy hiểm. Lối sống bừa bãi, chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh không chỉ là nguyên nhân gây ra bệnh khô dịch khớp mà còn kéo theo những bệnh lý xương khớp nguy hiểm khác.
Các bệnh lý về xương khớp hầu như rất khó khăn mới có thể điều trị dứt điểm, một số bệnh vẫn chưa có thuốc chữa như bệnh gút. Chính vì thế, bạn đọc cần có ý thức bảo vệ xương khớp và có những biện pháp phòng ngừa ngay bây giờ.
1. Tập luyện thể thao thường xuyên
Tập luyện thể thao thường xuyên có tác động trực tiếp lên hệ thống xương khớp. Bạn nên lựa chọn các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và thể trạng để đem lại hiệu quả tối ưu nhất.
Chế độ tập luyện thường xuyên giúp hệ thống xương khớp khỏe mạnh, linh hoạt, mô sụn đàn hồi và dẻo dai hơn. Hơn nữa, thói quen này còn giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn, tuần hoàn máu được tăng cường, tinh thần thoải mái và tập trung hơn. Chúng tôi tin rằng, nếu mọi người nghiêm túc trong việc tập luyện, không chỉ hạn chế được những bệnh xương khớp mà còn ngăn ngừa được các bệnh nguy hiểm như tim mạch, cao huyết áp, trầm cảm,… Hơn nữa, đây cũng là cách giúp bạn duy trì vóc dáng cân đối, giảm áp lực lên khớp gối và các bộ phận xương khớp khác.
2. Chế độ dinh dưỡng khoa học
Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều chịu tác động trực tiếp từ chế độ dinh dưỡng, hệ thống xương khớp cũng không ngoại lệ. Bổ sung những thực phẩm tốt cho xương khớp như rau củ, trái cây, thực phẩm giàu omega-3, canxi,…
Đừng quên bổ sung 2 lít nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể và hỗ trợ quá trình hình thành dịch nhầy cho khớp. Bên cạnh đó, bạn đọc cần loại bỏ những thực phẩm gây hại đến sức khỏe nói chung và hệ thống xương khớp nói riêng như bia rượu, nước uống có gaz, chất kích thích, đồ ăn nhanh, thịt đỏ và mỡ động vật. Ngoài ra, nếu tập thói quen ăn nhạt, hạn chế gia vị trong món ăn, đặc biệt là muối và đường, hai thành phần này chính là “thủ phạm” khiến xương tổn thương, nhanh giòn và dễ gãy hơn.
3. Điều chỉnh tư thế
Những tư thế sai lệch khi sinh hoạt và làm việc chính là nguyên nhân khiến khớp bị khô, gây ra những tổn thương lên mô sụn và khớp xương.
Bạn cần cải thiện tư thế ngồi xổm, tư thế này gây áp lực lên khớp gối và đốt sống thắt lưng, làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh khô dịch khớp xương. Với những người làm việc nặng nhọc, nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khi nâng vật nặng để giảm áp lực lên khớp gối. Những người làm công việc văn phòng nên dành 5 phút sao 2 giờ làm việc để thư giãn xương khớp bằng cách đi lại hoặc tập các bài tập để cải thiện xương khớp.
4. Không bẻ khớp tay
Một số người có thói quen bẻ khớp tay khi mỏi hoặc cứng khớp, tuy nhiên thói quen này gây ra những tác hại mà chúng ta không lường được, khô dịch khớp chính là một trong những tác hại đó.
Phần mô sụn bị tổn thương do chúng ta tác động lực vào, hơn nữa khi dùng lực, nguy cơ khớp bị biến dạng hoặc trật là rất cao. Mọi người cần khắc phục ngay thói quen này để ngăn chặn những hệ lụy kéo theo.
Tham khảo thêm: Thói quen bẻ vặn khớp tay và những tác hại không ngờ của nó
5. Nghỉ ngơi hợp lý
Cuộc sống hiện đại và khối lượng công việc nặng nề khiến con người phải lao động nhiều hơn 8 giờ đồng hồ. Việc lao động quá thời gian trên sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, khả năng trao đổi chất giảm, tổn thương dây thần kinh và căng thẳng kéo dài.
Một nghiên cứu từ các chuyên gia xương khớp hàng đầu tại Trường Đại Học Texas – Mỹ đã cho thấy, những người làm việc quá 8 giờ mỗi ngày sẽ giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp, về già dễ mất trí nhớ, thiếu minh mẫn,… Do đó, mọi người cần cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, giải phóng những cảm xúc tiêu cực và căng thẳng.
Chứng bệnh khô dịch khớp xương gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Do đó, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng cách phòng ngừa bệnh lý này.
Phương Thảo
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!