Trật khớp là một chấn thương thường gặp trong cuộc sống có thể tự phục hồi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trật khớp có thể đễ lại hậu quả khôn lường nếu không được xử lý và chăm sóc đúng cách. Cùng tìm hiểu xem những hậu quả của trật khớp là gì nhé!
Trật khớp gây hậu quả khôn lường
Bong gân, trật khớp thường xảy ra sau một cử động mạnh và đột ngột hoặc sau một động tác lặp đi lặp lại nhiều lần với cường độ cao. Ngoài ra, không ít các trường hợp bị trật khớp là do chơi thể thao, trượt ngã, mang giày có gót quá cao hay do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Các hoạt động này khiến mô mềm, bao khớp và dây chằng bị tổn thương và dẫn đến trật khớp.
Các khớp thường dễ bị bong gân nhất là mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, vai… Khi bị trật khớp, có thể quan sát thấy vùng khớp bị trật sẽ sưng to, bầm tím, đau và khó cử động. Các giai đoạn của bong gân, trật khớp:
– Giai đoạn đầu khi vừa bị chấn thương thì trong vòng 72 giờ sau chấn thương khi đó viêm tấy sẽ sảy ra, nước hoạt dịch và máu tụ ngấm vào các dây chằng bao quanh khớp.
– Trong 2 ngày đầu sau khi bị chấn thương cơ thể sẽ đưa ra các phản ứng để tự bảo vệ cơ thể huy động các tế bào bạch cầu tập trung về nơi tổn thương, các chất histamin, serotonin, prostaglandin được tiết ra gây nên tình trạng thoát máu ngoài mạch, làm phù nề và gây đau nhức vùng tổn thương. Kế đến là giai đoạn hồi phục, vết thương hết sưng nề, xuất hiện các mạch máu mới, các sợi collagen non.
– Trong vòng 4-6 tuần, các sợi collagen này gia tăng kích thước và độ bền để đến cuối giai đoạn sẽ đạt được độ đàn hồi như dây chằng khi chưa bị đứt. Ở giai đoạn này, nếu khớp vận động mạnh có thể làm đứt lại dây chằng mới liền.
Nhiều người khá chủ quan khi bị trật khớp vì cho rằng đây chỉ là một chấn thương nhẹ và có thể tự lành sau một thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong trường hợp trật khớp nhẹ, dây chằng bị giãn ít thì có thể tự lành sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu dây chằng bị rách hoặc đứt thì quá trình phục hồi sẽ khéo dài hơn và có thể để lại một số biến chứng ở khớp nếu không được điều trị đúng cách và chăm sóc phù hợp.
Các biến chứng có thể gặp phải sau một chấn thương trật khớp nặng:
1 – Tắc mạch máu
Tắc mạch máu có thể gặp trong bất cứ tổn thương nào ở các vùng trên cơ thể, miễn là nơi đó có mạch máu. Tuy nhiên, phổ biến nhất là tổn thương mạch máu trong chấn thương tại vùng gối. Gãy xương, rách sụn chêm, đứt dây chằng (dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng hai bên) có thể làm đứt, tắc động mạch khoeo khiến phần cơ thể bên dưới bị hoại tử.
2 – Tổn thương sụn khớp
Trật khớp có thể gây ra những tổn thương vô hình ở các bộ phận cấu thành khớp, đặc biệt là sụn khớp. Tổn thương ở sụn khớp lâu ngày khiến sụn bị hao mòn, hư hại, kéo theo tổn thương xương dưới sụn, giảm tiết dịch nuôi khớp, gây khô khớp và thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn hoặc kích thích các phản ứng viêm ở khớp.
3 – Lỏng khớp
Khớp cứng và vững là nhờ được giữ bởi dây chằng, sụn chêm và hệ thống cơ. Vì thế, trật khớp có thể gây tổn thương lên dây chằng (dãn, đứt), sụn chêm và cơ… khiến khớp trở nên lỏng lẻo. Khớp bị lỏng lẻo thì nguy cơ bong gân, trật khớp tái phát hoặc gãy xương càng cao, thậm chí tăng nguy cơ thoái hóa khớp, viêm khớp, đi đứng khó khăn hoặc trở thành tật.
Lời khuyên cho người bị bong gân, trật khớp
Theo bác sĩ chuyên khoa II. Vương Hữu Định (Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình – BV Đa khoa Vạn Hạnh TP.HCM), “…Trong các chấn thương như bong gân, trật khớp, gãy xương,… việc cố định khi sơ cứu và di chuyển đến bệnh viện là rất quan trọng. Bởi lẽ, khi phần cơ thể đã bị gãy, lỏng lẻo, lại xê dịch vì đi trên xe, bệnh nhân có thể bị sốc do đau đớn, gây thêm nhiều chấn thương ở xương khớp, thần kinh hay mạch máu…”
Bác sĩ Định cũng đặc biệt lưu ý bệnh nhân trật khớp, bong gân không nên tự ý bó các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. Việc làm này sẽ khiến vi khuẩn dễ xâm nhập qua da, lỗ chân lông, dẫn đến viêm. Khớp lúc này đang bị tổn thương, xuất huyết nên cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nếu lựa chọn đông y, bệnh nhân nên tìm đến các bệnh viện, thầy thuốc có uy tín, có chuyên môn chứ đừng “tự làm bác sĩ”.
Bên cạnh đó, bác sĩ Vương Hữu Định cũng chia sẻ, ngoài việc nắn chỉnh và cố định khớp thì bệnh nhân cũng cần có một chế độ vận động phù hợp. Trong những trường hợp không nặng, bệnh nhân có thể được cố định bằng băng thun, không vướng víu như bó bột nhưng nếu cứ thế mà đi lại, làm việc như bình thường, vết thương bị tác động liên tục thì khó mà phục hồi. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn vận động thích hợp, giúp hỗ trợ quá trình phục hồi xương khớp.
BẠN ĐỌC CÓ THỂ THAM KHẢO THÊM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!