Trong thai kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ phải đối mặt với nhiều mầm bệnh phát sinh. Phòng bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai là điều mẹ bầu cần thực hiện để hạn chế những cơn đau do căn bệnh này.
Đau dây thần kinh tọa là bệnh lý thường gặp ở mẹ bầu, gây ra những cơn đau ở vùng thắt lưng, hông và chi dưới khiến mẹ bầu khó khăn trong việc di chuyển và sinh hoạt. Bài viết sẽ giúp bạn đọc dễ dàng phòng ngừa bệnh lý này trong thời gian thai kỳ!
Vì sao mẹ bầu dễ bị đau dây thần kinh tọa?
Mẹ bầu là đối tượng dễ mắc các bệnh xương khớp nói chung và bệnh đau dây thần kinh tọa nói riêng. Nguyên nhân giải thích cho việc này là do những xáo trộn trong cơ thể và chế độ sinh hoạt cũng có sự thay đổi nhất định.
Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan – chuyên khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện Bạch Mai, mẹ bầu dễ bị đau dây thần kinh tọa bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
“Trong thời gian thai kỳ, trọng lượng của mẹ tăng lên đáng kể, dao động từ 10 – 15 kg. Với trọng lượng tăng một cách nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn, khiến đốt sống phải chịu áp lực lớn khiến các đốt sống đè nén lên nhau. Ở vị trí này sẽ xuất hiện tình trạng tắc nghẽn, gây chèn ép lên rễ thần kinh gây ra bệnh đau dây thần kinh tọa. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến mẹ bầu thường bị đau lưng khi mang thai.
Nguyên nhân thứ hai là do cơ thể mẹ sản sinh ra hormone relaxin làm giãn khung xương chậu để có đủ không gian cho em bé phát triển, đồng thời dễ dàng hơn cho kỳ sinh nở sắp đến. Việc khung xương chậu giãn ra khiến các cơ quan lân cận chịu ảnh hưởng không nhỏ. Dẫn đến việc dây thần kinh tọa và xuất hiện cơn đau ở vùng thắt lưng, cơn đau sẽ lan dần xuống hông, mông và cẳng chân.
Đau dây thần kinh tọa xuất hiện trong thời gian thai kỳ có thể do mẹ bầu thường xuyên di chuyển, khiến trọng lượng từ bào thai kéo cơ thể trì xuống gây áp lực lên các đốt sống vùng thắt lưng, nhất là những tháng cuối thai kỳ. Hơn nữa, một vài người có thói quen mang giày cao gót khi đang mang thai, thói quen này tạo áp lực lên cơ thể và đốt sống, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau dây thần kinh tọa và đau khớp gối.
Bệnh đau dây thần kinh tọa xuất hiện trong thời gian thai kỳ có thể bắt nguồn từ các bệnh lý mãn tính trong cơ thể mẹ như hẹp cột sống, thoát vị đĩa đệm thắt lưng, khối u trong xương,…”
80% số người mắc bệnh đau dây thần kinh tọa trong thời gian thai kỳ đều bắt nguồn từ những thay đổi trong cơ thể mẹ, chỉ có 20% người mắc bệnh này do hệ lụy từ những biến chứng của các căn bệnh mãn tính. Thông thường, bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai đều xuất hiện ở dạng cấp tính, tức là bệnh có thể cải thiện và khắc phục được một cách nhanh chóng.
Đau dây thần kinh tọa tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng ít nhiều gây khó khăn cho mẹ bầu khi di chuyển và vận động. Đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ, trọng lượng thai nhi lớn hơn, cơn đau có thể xuất hiện nhiều và dai dẳng khiến mẹ bầu mệt mỏi và khó chịu.
Chứng bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai có thể phòng ngừa được, mẹ bầu nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ những tháng đầu tiên của thai kỳ để có được kết quả tốt nhất.
Cách phòng bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai hiệu quả
Chỉ với vài mẹo nhỏ sau đây, mẹ bầu có thể phòng bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai một cách dễ dàng và hiệu quả.
1. Thường xuyên luyện tập
Các chuyên gia thường khuyên mẹ bầu nên luyện tập thể thao trong suốt thời gian thai kỳ. Tùy vào sự phát triển của thai nhi mà mẹ bầu lựa chọn các bộ môn thích hợp.
Vào những tháng đầu tiên khi thai nhi chưa phát triển nhanh, mẹ bầu nên dành thời gian đi bộ nhẹ nhàng. Trung bình nên dành 15 phút để đi bộ mỗi ngày, khi mẹ mới mang thai, cơ thể sẽ có những thay đổi khiến xương khớp đau nhức và suy yếu. Đây là thời điểm thích hợp để đi bộ bởi thai nhi chưa lớn, cơ thể mẹ còn linh hoạt và nhẹ nhàng.
Vào những tháng giữa và cuối thai kỳ, mẹ bầu nên thực hiện bộ môn ít phải di chuyển nhiều như yoga. Yoga là bộ môn kết hợp động tác từ nhiều bộ phận trên cơ thể, mẹ bầu nên lựa chọn những bài tập tăng độ dẻo dai cho vai, lưng và hông. Bởi đây là các bộ phận chịu áp lực lớn nhất, rất dễ xuất hiện cơn đau khi mang thai.
Tập luyện thường xuyên không chỉ giúp mẹ bầu ngăn chặn được bệnh đau dây thần kinh tọa mà còn dễ dàng hơn khi sinh nở, những cơn đau xương khớp cũng được hạn chế ở mức tối đa. Luyện tập thường xuyên còn giúp mẹ bầu ngủ ngon, dễ ngủ, giải tỏa căng thẳng và khỏe mạnh hơn.
2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Mẹ bầu nên thiết lập chế độ dinh dưỡng theo từng tháng của thai kỳ, để tương thích với sự phát triển của thai nhi. Để phòng bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý chế độ ăn từ tháng thứ 5 trở đi. Bởi đây là thời gian em bé bắt đầu phát triển xương, nhu cầu về canxi và vitamin D tăng hơn bao giờ hết.
Vào thời điểm này nếu cơ thể không cung cấp đủ hàm lượng vitamin và canxi cho bản thân, nguy cơ cao là mẹ sẽ gặp những cơn đau xương khớp gây đè nén lên dây thần kinh tọa. Vì vậy, trong tháng thứ 5 thai kỳ trở về sau, mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm giàu canxi và omega 3 như súp lơ, cá hồi, hải sản, sữa,… Đừng quên tắm nắng vào sáng sớm, trước 8 giờ sáng để cung cấp đủ lượng vitamin D cho mẹ và bé.
3. Thay đổi tư thế
Mẹ bầu thường gặp phải vấn đề về tư thế khi ngủ hay ngồi, bởi bụng bầu trở thành vật cản khiến mẹ không thể duy trì tư thế như bình thường. Hầu hết các tư thế này đều gây áp lực lên đốt sống thắt lưng, xương chậu và làm tăng tỉ lệ mắc bệnh đau dây thần kinh tọa.
Mẹ bầu nên cải thiện các tư thế này, thay vào đó hãy sử dụng gối ngủ chuyên dụng để kê bụng bầu khi ngủ, giúp giảm áp lực lên đốt sống và xương chậu. Hoặc có thể sử dụng đau nâng đỡ bụng bầu nếu người mẹ quá nhỏ mà bụng bầu lại quá lớn và nặng. Khi ngồi, mẹ bầu nên dùng một chiếc gối nhỏ để kế ở vùng lưng, giúp mẹ có tư thế ngồi dễ chịu nhưng lại không gây ảnh hưởng xấu đến rễ thần kinh và cột sống.
4. Dành thời gian nghỉ ngơi
Nhiều mẹ bầu tham công tiếc việc nên vẫn đi làm ngay cả khi thai đã lớn, tuy nhiên vào lúc này cơ thể mẹ cần được nghỉ ngơi để có thể trạng tốt nhất cho kỳ sinh nở sắp tới.
Lao động trong thời điểm này không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, dây thần kinh căng thẳng, stress, mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp, trong đó có đau dây thần kinh tọa. Mẹ bầu nên nghỉ ngơi hẳn trước ngày sinh 1 tháng để cơ thể khỏe mạnh, tâm lý thoải mái và dễ chịu, để có thể sinh nở một cách thuận lợi nhất.
Nếu thực hiện đều đặn 4 điều trên mẹ bầu sẽ phòng bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, các cách này còn giúp mẹ bầu làm giảm các cơn đau lưng, đau khớp háng, đau vai và đầu gối khi mang thai,…
Phương Thảo
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!