Không chỉ xảy ra ở những trẻ bị thiếu cân, thể trạng thấp bé mà những trẻ bụ bẫm, ăn uống tốt vẫn có thể bị còi xương. Tìm hiểu về tình trạng còi xương ở trẻ bụ bẫm sẽ giúp các bậc phụ huynh cảnh giác hơn khi chăm sóc bé yêu và biết cách giúp bé phát triển cân đối.
Tại sao trẻ bụ bẫm vẫn có thể bị còi xương?
Còi xương là căn bệnh thiếu vitamin D dẫn đến rối loạn chuyển hóa canxi, phốt pho khiến hệ xương của trẻ bị ảnh hưởng, xương kém phát triển. Không chỉ xảy ra ở những trẻ sinh non, thiếu cân, thể trạng yếu, thấp còi mà những bé bụ bẫm, cân nặng phát triển đều cũng có thể bị còi xương.
Giống như biểu hiện còi xương ở những trẻ thấp còi, trẻ bụ bẫm bị còi xương cũng xuất hiện dấu hiệu rụng tóc vành khăn, ra mồ hôi trộm, hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên…
Có thể nói, trẻ càng nhanh lớn thì nguy cơ bị còi xương càng cao. Bởi vì trẻ đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của xương khớp càng nhiều, nhất là ở những trẻ bụ bẫm thì nhu cầu về các khoáng chất như canxi, phốt pho và vitamin D sẽ cao hơn những trẻ khác. Nếu không đáp ứng đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết để hệ xương của trẻ phát triển đều dễ dẫn đến bệnh còi xương.
Ngoài nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vitamin D, còi xương ở trẻ bụ bẫm còn đến từ việc cha mẹ bảo bọc trẻ quá kỹ, ít cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không cân đối, quá nhiều muối hay quá nhiều chất đạm, chất bột khiến vitamin D bị đào thải nhiều qua nước tiểu, thiếu vitamin D dẫn đến rối loạn chuyển hóa và ức chế hấp thu canxi cho cơ thể.
Khắc phục tình trạng còi xương ở trẻ bụ bẫm
Đối với những bé bụ bẫm mắc bệnh còi xương, việc cần làm là cần phải cân đối các thành phần dinh dưỡng của trẻ. Cha mẹ không cần phải tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mà nên phân bổ hàm lượng các dưỡng chất một cách cân bằng. Đồng thời chú trọng những thực phẩm chứa nhiều canxi cho bé. Các biện pháp như sau:
- Bổ sung rau củ quả: Cha mẹ nên cho bé ăn các loại trái cây, hoa quả ít đường nhưng giàu vitamin và khoáng chất như táo, chuối, bưởi, thanh long… để giúp bé tăng cường sức khỏe và tránh bị thừa cân. Hạn chế những loại quả có lượng đường cao như mít, vải, xoài, nhãn…
- Bổ sung thịt cá: Các loại thịt nạc, tôm cá, hàu,… tuy giàu đạm nhưng ít béo, ít năng lượng sẽ rất tốt cho trẻ còi xương thể bụ. Hàm lượng canxi và kẽm trong các thực phẩm này cũng rất cần thiết cho hệ xương của trẻ bị còi xương, dù là thể thấp vòi hay thể bụ bẫm.
- Mẹ cũng có thể cho trẻ uống sữa tách béo, sữa tươi không đường để cung cấp khoáng chất cho trẻ mà không làm trẻ tăng cân nhanh hơn.
- Hạn chế cho trẻ ăn nhiều tinh bột, thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.
- Thường xuyên cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng sớm từ 15-30 phút mỗi ngày để cơ thể trẻ tổng hợp tốt vitamin D từ ánh nắng mặt trời và hấp thụ canxi hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!