3 Cách điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (Phổ biến)

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể bao gồm sự kết hợp giữa việc sử dụng thuốc với điều trị xâm lấn tối thiểu, vật lý trị liệu hoặc các cách tiếp cận khác. Đọc tiếp những thông tin bên dưới để được làm rõ về điều này.

Đĩa đệm là một cấu trúc nằm giữa các đốt sống trong cột sống có chức năng hấp thụ áp suất, giảm độ xóc và hỗ trợ cơ thể chuyển động về mọi hướng như uốn về phía trước, phía sau hoặc sang hai bên.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng xảy ra khi đĩa đệm ở vùng thắt lưng của bạn bị trượt hoặc vỡ làm nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị chảy ra ngoài. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưng, cũng như đau chân (đau thần kinh tọa).

Tóm lược nội dung bài viết
I.Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
   1.Vị trí đĩa đệm thắt lưng 
   2.Các tác nhân gây bệnh
   3.Các biểu hiện ban đầu của bệnh
II.Cách điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
   1.Điều trị bằng các loại thuốc
   2.Điều trị không dùng thuốc
   3.Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
III. Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

I. Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đĩa đệm cột sống gồm có 3 phần là nhân nhầy, vòng sợi và mân sụn. Cấu trúc đĩa đệm có khả năng đàn hồi và biến dạng nên có thể làm giảm tác động tới các thân đốt sống.

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là căn bệnh khá phổ biến

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng xảy ra khi đĩa đệm vùng thắt lưng bị đứt rách vòng sụn, khiến cho nhân nhầy bên trong có xu hướng thoát ra ngoài. Đĩa đệm bị thoát vị có thể lệch bên, ra sau hoặc vào lỗ ghép rễ thần kinh gây chèn ép rễ, dây thần kinh vùng cột sống thắt lưng.

Từ 60% đến 80% số người bị đau thắt lưng vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Một tỷ lệ cao người trong số đó bị đau lưng và đau chân là do một đĩa đệm bị thoát vị ở vùng cột sống thắt lưng

Mặc dù đĩa đệm bị thoát vị đôi khi có thể rất đau đớn, nhưng hầu hết mọi người sẽ cảm thấy tốt hơn trong khoảng  vài tuần hoặc vài tháng với các phương pháp điều trị thích hợp.

1. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nằm ở vị trí nào?

Nhắc lại kiến thức giải phẫu học về cột sống, cột sống ở cơ thể người được chia làm 4 phần chính bao gồm:

  • Cột sống cổ gồm có 7 đốt sống (Kí hiệu từ C1 đến C7)
  • Cột sống ngực có 12 đốt sống (Kí hiệu từ T1 đến T12)
  • Cột sống thắt lưng gồm có 5 đốt sống (Kí hiệu từ L1 đến L5)
  • Vùng xương cùng – cụt: Các xương cùng gồm có 5 phân đoạn xương hợp nhất lại với nhau (Kí hiệu từ S1 đến S5). Bốn xương nhỏ tiếp theo được gọi là xương cụt (là phần xương sống cuối cùng của cột sống).

Ở giữa hai đốt sống gần nhau trong cột sống là cấu trúc đĩa đệm. Từ kiến thức giải phẫu học đã được đề cập ở trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết được, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chính là một hoặc nhiều các đĩa đệm vùng thắt lưng (từ L1 đến L5) xảy ra hiện tượng thoát vị. Cụ thể là các đĩa đệm L1 – L2, L2 – L3, L3 – L4 hoặc L4 – L5 có thể xảy ra thoát vị. Để xác định chính xác đĩa đệm nào bị thoát vị, người bệnh có thể cần đến các cận lâm sàng như X -quang, CT hoặc MRI.

2. Các tác nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Trong nhiều trường hợp, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có liên quan đến sự lão hóa tự nhiên của cấu trúc cột sống trong cơ thể bạn. Ở trẻ em và thanh niên, đĩa đệm có chứa một hàm lượng nước cao, tuy nhiên khi chúng ta già đi, nước trong đĩa đệm bị giảm và mất dần khiến đĩa đệm bị khô và yếu đi. Các đĩa đệm lúc này bắt đầu co lại và khoảng cách giữa các đốt sống trở nên hẹp hơn, dần dần sẽ xuất hiện tình trạng đĩa đệm bị thoát vị ra ngoài.

Tác nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Các yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

 

Ngoài việc hao mòn dần dần do sự lão hóa, có một số các yếu tố khác có thể làm tăng khả năng thoát vị của một đĩa đệm như:

  • Giới tính: Đàn ông trong độ tuổi từ 30 đến 50  có nhiều khả năng bị thoát vị đĩa đệm.
  • Cân nặng: Thừa cân là lý do khiến cho đĩa đệm phải chịu thêm nhiều áp lực từ trọng lượng có thể. Kéo dài tình trạng này có thể gây ra thoát vị đĩa đệm.
  • Nâng không đúng cách: Việc sử dụng cơ lưng của bạn để nhấc một vật nặng thay vì dùng cơ chân có thể làm cho lưng bạn bị tổn thương và gây ra thoát vị đĩa đệm.
  • Công việc: Nhiều công việc đòi hỏi sức mạnh về thể chất và việc lặp đi lặp lại các hoạt động nâng, kéo, uốn, xoắn liên tục ở vùng lưng có thể làm tăng nguy cơ gặp phải hiện tượng thoát vị đĩa đệm.
  • Ngồi nhiều, ít vận động: Ngồi yên trong một thời gian dài hoặc lười vận động có thể làm tăng áp lực lên cột sống và đĩa đệm của bạn.
  • Hút thuốc: Nghiên cứu cho rằng, hút thuốc có thể làm giảm nguồn cung cấp oxy vào đĩa đệm và thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.

→ Biết được những gì khiến bạn có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm sẽ giúp bạn phòng tránh được vấn đề ở đĩa đệm, đồng thời tinh chỉnh cuộc sống của mình theo lối lành mạnh hơn để làm giảm khả năng gặp phải bệnh tật, nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. 

 3. Các biểu hiện ban đầu của thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm khác nhau tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị và sự chèn ép của đĩa lên các dây thần kinh. Dưới đây là những biểu hiện ban đầu của thoát vị đĩa đệm thắt lưng

  • Đau lưng dữ dội và liên tục. Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi di chuyển, ho, hắt hơi hoặc đứng yên trong một thời gian dài.
  • Xuất hiện hiện tượng co thắt cơ lưng.
  • Đau thần kinh tọa – đau bắt đầu ở gần lưng hoặc mông, xuống đùi sau, sau đó lan xuống bắp chân và đến vùng chân.
  • Người bệnh có cảm giác yếu cơ ở chân.
  • Tê ở chân hoặc bàn chân.
  • Giảm phạn xạ ở đầu gối hoặc mắt cá chân.
  • Thay đổi chức năng bàng quang hoặc ruột.

→ Các triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm ở vị trí cột sống thắt lưng có thể trông giống như các tình trạng khác hoặc một số vấn đề y tế liên quan. Chính vì vậy, nói chuyện với bác sĩ về những dấu hiệu bạn gặp phải để được chẩn đoán sớm, chính xác về căn bệnh mà mình đang mắc phải là rất cần thiết và quan trọng.

II. Cách điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tập trung vào việc giảm thiểu đau đớn, ổn định cuộc sống, cải thiện hoặc duy trì tính di dộng của cơ thể.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể được điều trị bằng sử dụng thuốc hoặc không sử dụng thuốc. Phẫu thuật có thể là lựa chọn điều trị cần được xem xét khi mức độ bệnh trở nên nghiêm trọng và nguy cơ xảy ra biến chứng cao.

1. Dùng thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

+ Điều trị ban đầu của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là sử dụng thuốc kháng viêm bao gồm Ibuprofen (Motrin, Advil) hoặc Naproxen (Aleve). Các loại thuốc này có thể giúp giảm đau và chống viêm trong quá trình điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm.

Thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng thuốc

+ Các thuốc giãn cơ cũng có thể được chỉ định, chẳng hạn như Cyclobenzaprine (Flexeril) có thể cung cấp sự hỗ trợ ngắn hạn cho nhiều người. Những loại thuốc này có thể gây buồn ngủ và không nên sử dụng nếu đang lái xe, làm việc hoặc uống rượu. Tác dụng phụ bổ sung của thuốc giãn cơ là khô miệng, mờ mắt, giữ nước tiểu và táo bón.

+ Trong trường hợp cơn đau đớn do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tiến triển, các loại thuốc giảm đau gây nghiện có thể được sử dụng như codein, morphine hoặc oxycodone. Các loại thuốc này không nên  sử dụng liên tục để giảm đau nếu có thể sử dụng các phương pháp điều trị thay thế. Tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc là buồn ngủ, táo bón hoặc gặp ác mộng. Thận trọng khi dùng thuốc để tránh độc tính của thuốc giảm đau gây nghiện này.

+ Corticosteroid đường uống cũng có thể được sử dụng trong một thời gian ngắn như prednisone. Không nên sử dụng kéo dài các loại thuốc này bởi chúng liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh loét dạ dày, sưng phù, rối loạn giấc ngủ, tăng nguy cơ loãng xương và trầm cảm.

Nếu cơn đau đớn nghiệm trọng do chèn ép dây thần kinh tọa, bác sĩ có thể kê đớn tiêm steroid ngoài màng cứng để cung cấp hiệu ứng kháng viêm và giảm đau nhanh hơn.

2. Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng không dùng thuốc

Ngoài phương pháp sử dụng thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, một số các phương pháp khác cũng hướng đến mục tiêu điều trị nhưng không sử dụng thuốc như:

2.1.Vật lý trị liệu:

Một số bài tập thể dục cho người thoát vị đĩa đệm hoặc các liệu pháp trị liệu thụ động có thể giúp cải thiện các triệu chứng của đĩa đệm thắt lưng bị thoát vị gây ra. Chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn cho bạn một kế hoạch điều trị với:

  • Các bài tập kéo dài để giữ cơ bắp của bạn được linh hoạt.
  • Các bài tập aerobic tác động thấp.
  • Massage trị liệu
  • Liệu pháp nóng và lạnh
  • Siêu âm trị liệu
  • Kích thích điện qua da

Tham khảo bài tập chữa thoát vị địa đệm hiệu quả qua video dưới đây

2.2. Điều trị xâm lấn tối thiểu:

  • Laser: Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng laser là sử dụng tia laser tần suất cao để can thiệp trực tiếp vào nhân nhầy của đĩa đệm bị thoát vị để làm giảm thể tích, biến đổi cấu trúc của nhân nhầy để co lại nhanh chóng, làm giảm áp lực cho đĩa đệm và giải phóng sự chèn ép của đĩa đệm bị thoát vị lên các rễ thần kinh xung quanh. Từ đó làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh nhanh chóng. Tìm hiểu chi tiết về phương pháp này Tại đây
  • Sóng cao tần: Dùng sóng cao tần điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là kỹ thuật được thực hiện bằng cách đưa sóng cao tần vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị thông qua một mũi kim. Với nguồn nhiệt từ 40 đến 70 độ C, bước sóng cao tần sẽ tác động lên khối thoát vị, thu nhỏ các khối này và giúp đưa đĩa đệm bị thoát vị trở về lại vị trí ban đầu, đồng thời giả phóng sự chèn ép lên các dây thần kinh.

2.3.Trị liệu thần kinh cột sống:

Trị liệu cột sống là kỹ thuật không xâm lấn vào cấu trúc bên trong. Với kỹ thuật này, các bác sĩ trị liệu sẽ dùng tay nắn chỉnh nhẹ nhàng các cấu trúc bị sai lệch của đĩa đệm và khớp nhằm mục đích là đưa nó trở về vị trí ban đầu và làm giảm sự chèn ép lên các dây thần kinh, đồng thời kích thích cơ thể  tự làm lành của cơ thể để từ đó làm giảm dần các triệu chứng và đưa đến sự hồi phục tốt cho người bệnh.

3. Phẫu thuật chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Hầu hết những người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đều không cần đến phẫu thuật. Nghỉ ngơi và áp dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật cũng có thể cải thiện các triệu chứng của bạn trong vòng 4 – 6 tuần. Nhưng nếu cơn đau của bạn không cải thiện và có xu hướng trầm trọng hơn, lúc này phẫu thuật có thể được xem xét để lựa chọn.

Phẫu thuật chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ: Trong quá trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ đĩa đệm bị hư hỏng của bạn để làm giảm áp lực lên cột sống và thần kinh của bạn. Hai cách phẫu thuật chính để loại bỏ đĩa đệm là mổ hở (thông qua một vết cắt ở lưng) và cắt bỏ vi phẫu (thông qua vết mổ nhỏ hơn). Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ, bác sĩ có thể hợp nhất hai đốt sống ở hai bên của đĩa đệm để ổn định xương sống của bạn.
  • Phẫu thuật loại bỏ xương: Đôi khi bác sĩ phẫu thuật sẽ cần phải loại bỏ một mảnh xương nhỉ được hình thành để bảo vệ tủy sống của bạn do khỏi b ị ảnh hưởng do thoát vị đĩa đệm. Kỹ thuật này cũng có thể làm giảm áp lực lên dây thần kinh và loại bỏ đau chân do đau thần kinh tọa.
  • Phẫu thuật thay thế đĩa nhân tạo: Rất hiếm người được chỉ định thực hiện phẫu thuật thay thế đĩa nhân tạo, nhưng nó vẫn xảy ra. Với phẫu thuật này, đĩa nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại sẽ được dùng để thay thế đĩa đệm đã bị hư hỏng. Đĩa đệm mới sẽ giúp cột sống của bạn ổn định và cho phép bạn di chuyển dễ dàng hơn.

Mặc dù có thể đem lại sự hồi phục tốt cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, nhưng phẫu thuật luôn là phương pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, huyết khối hay thoát vị đĩa đệm tái phát… Chính vì vậy,  trước khi lựa chọn điều trị người bệnh nên cân nhắc những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra để có hướng giải quyết đúng đắn nhất.

Xem thêm thông tin về: Cách chữa thoát vị đĩa đệm từ cây ngải cứu

III. Cách phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Trước đó trong bài viết này, chúng tôi đã nói với bạn rằng một nguyên nhân phổ biến của một đĩa đệm bị thoát vị là sự lão hóa. Và điều này hoàn toàn là tự nhiên theo quy luật sinh tồn của con người mà chúng ta không thể ngăn lại được.

Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng mà chúng ta có thể kiểm soát được như:

  • Sử dụng kỹ thuật nâng thích hợp: Đừng uốn cong ở thắt lưng khi muốn nâng một vật gì đó. Hãy uốn cong đầu gối của bạn và giữa thẳng lưng, bắp chân là cơ bắp khỏe mạnh có thể giúp giữ trọng lượng rất tốt, hạn chế mọi áp lực nặng nề dồn nén lên cột sống.
  • Duy trì các tư thế tốt: Chú ý thực hiện tốt mọi tư thế khi đi bộ, đứng, ngủ. Ví dụ, đứng thẳng lưng, ngồi làm việc với sự hỗ trợ của một chiếc gối đặt ở sau lưng. Ngủ trên nệm cứng để không bị uốn cong cột sống của bạn.
  • Lựa chọn thức ăn lành mạnh: Rất nhiều loại thực phẩm có thể cung cấp và hỗ trợ cho sự khỏe mạnh của cột sống và cấu trúc đĩa đệm. Hãy khéo léo bổ sung các thực thức ăn giàu canxi, magie, protein, sắt, vitamin D, vitamin C… để có một cột sống chắc khỏe hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Thể dục thể thao thường xuyên là điều kiện cho sức khỏe của cơ bắp, đặc biệt là vùng lưng, từ đó giúp giảm thiểu áp lực đặt lên vùng này và ngăn ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng xảy ra.
  • Kiểm soát cân nặng: Cân nặng phù hợp sẽ làm giảm bớt nguy cơ đè nặng áp lực lên vùng thắt lưng gây thoát vị đĩa đệm.
  • Không hút thuốc: Bằng cách từ bỏ thói quen hút thuốc lá là bạn có thể ngăn ngừa được rất nhiều tình trạng sức khỏe có thể xảy ra do việc hút thuốc như bệnh tim mạch, thoát vị đĩa đệm, ung thư phổi, cao huyết áp…

Thực hiện tất cả những điều trên là một khuyến nghị, điều đó sẽ không đảm bảo rằng bạn sẽ không bao giờ bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Nhưng đây là những gì bạn cần thực hiện để ngăn ngừa đau đớn và sự ảnh hưởng của một đĩa đệm bị thoát vị.

⇒ Tất cả chúng ta, bao gồm cả những người đang bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hoặc may mắn chưa gặp phải căn bệnh này đều nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về căn bệnh này. Bởi vì, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể tìm gặp chúng ta bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Và việc hiểu rõ về bệnh từ nguyên nhân, triệu chứng cho đến các cách điều trị, cách phòng ngừa sẽ mang lại hữu ích cho chúng ta trong việc bảo vệ cuộc sống khỏe mạnh nhất, tốt đẹp nhất.

Nguồn: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-suc-khoe/chua-thoat-vi-dia-dem-cot-song-that-lung-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-chuyen-gia-khuyen-dung-c683a1018316.html

BS. Nguyễn Hiền Anh

Cập nhật lúc 09:43 - 08/10/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan